Xuất huyết tiêu hóa do tăng áp lực tĩnh mạch cửa

      Xuất huyết tiêu hóa là một biến chứng rất nguy hiểm của tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Tùy theo tình trạng của người bệnh và khả năng chuyên môn của cơ sở y tế điều trị, khả năng tử vong của bệnh lý này có thể dao động từ 20 – 80%.

         1. Xuất huyết tiêu hóa do tăng áp lực tĩnh mạch cửa là gì?

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng chảy máu do vỡ búi gan giãn tĩnh mạch thực quản hoặc dạ dày hoặc tá tràng trong đó phần lớn là vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Đây là một biến chứng chính của xơ gan, thường nặng và có tỉ lệ tử vong cao (khoảng 20%).

         2. Nguyên nhân tăng áp lực tĩnh mạch cửa

     Có nhiều nguyên nhân gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, nhưng chủ yếu là do liên quan đến gan:

     – Nguyên nhân trước gan: do do chèn ép hoặc hẹp như teo tĩnh mạch cửa bẩm sinh; huyết khối tĩnh mạch cửa ( chiếm 1⁄2 tổng số các trường hợp tăng áp lực tĩnh mạch cửa ở trẻ em ); tĩnh mạch cửa biến đổi dạng hang; hẹp tĩnh mạch cửa vì viêm tắc hoặc u chèn ép. Ngoài ra, cũng có thể xảy ra tăng áp lực tĩnh mạch cửa do nguồn đến từ lách (lách to nhiệt đới, rò động – tĩnh mạch hệ tạng,…)

     – Nguyên nhân trong gan: phần lớn là do xơ gan (ngoài nguyên nhân lớn nhất do rượu, các ra các nguyên nhân khác dẫn đến xơ gan có thể kể đến như viêm gan siêu vi, ứ mật lâu ngày, bệnh sán máng, suy dinh dưỡng thiếu đạm).

     – Nguyên nhân sau gan: hội chứng Budd-Chiari (Budd-Chiari Syndrome/BCS), các bệnh do suy tim phải; các u ác tính ở gan hoặc trên gan chèn ép lên các tĩnh mạch gan, viêm màng ngoài tim co thắt,…

Có nhiều nguyên nhân gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa

         3. Triệu chứng bệnh xuất huyết tiêu hóa

     – Nôn ra máu đột ngột, máu đỏ tươi, thường với số lượng nhiều. Đi ngoài phân đen hoặc màu đỏ trong trường hợp chảy máu nhiều

     – Các triệu chứng lâm sàng thiếu máu cấp tính: da xanh, niêm mạc nhợt, sốc giảm thể tích tuần hoàn: mạch nhanh, huyết áp tụt…

     – Có thể có một hoặc nhiều các triệu chứng của xơ gan: vàng da, xuất huyết dưới da, phù chân, cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ, lách to. Tuy nhiên, một số trường hợp không rõ triệu chứng của xơ gan trên lâm sàng.

Nôn ra máu đột ngột, máu đỏ tươi,… là một trong những dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa

         4. Cách xử trí/ cấp cứu bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa tại chỗ

     Bước 1:Đặt người bệnh nghỉ ngơi cố định một chỗ

     Nhẹ nhàng bế bệnh nhân đặt nằm ngửa trên giường ở nơi thoáng khí, phần đầu đặt hơi thấp, hai chân chèn một cái gối phía dưới để kê cao hơn so với phần thân trên. Tránh để người bệnh nằm ở nơi có gió lùa. Nếu cần thiết có thể quấn chăn để giữ ấm cơ thể cho người bệnh.

     Bước 2:Cầm máu

     Cầm máu là bước xử lý tại chỗ khi bị xuất huyết tiêu hóa vô cùng quan trọng. Người nhà có thể hỏi ý kiến dược sĩ về việc mua và sử dụng một trong các loại thuốc cầm máu dưới đây:

  • Thuốc Posthypophyse
  • Vitamin K dạng ống có dung tích 5ml
  • Hemocaprol: Thuốc dạng dung dịch lỏng được đóng gói trong các ống dung tích 10ml

     Bước 3:Gọi xe cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa người bệnh đến các trung tâm y tế gần nhất

         5. Cách chăm sóc người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa sau khi xuất viện

     – Sau khi ra viện tiếp tục ăn chế độ mềm, lỏng khoảng 1 tuần

     – Nghỉ ngơi, tránh gắng sức

     – Chế độ lao động nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng bệnh

     – Không sử dụng chất kích thích, chất có gas, bia, rượu

     – Giữ vệ sinh để tránh bội nhiễm

     – Duy trì thuốc theo đơn của bác sĩ

     – Nội soi thắt tĩnh mạch thực quản lại sau 14 – 21 ngày dự phòng nguy cơ chảy máu lại. Tiến hành thắt tĩnh mạch thực quản cho tới khi không còn khả năng thắt được. Sau đó cứ 3-6 tháng nội soi kiểm tra lại để thắt nếu có các búi giãn xuất hiện.

     – Bổ sung các yếu tố tạo máu Acid Folic, Vitamin B12, sắt…

     – Tái khám sau 1 tháng hoặc có dấu hiệu bất thường

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ theo số điện thoại 02273.831.102

NGUỒN CTXH