Quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia bảo hiểm y tế

Quyền của người lao động khi tham gia bảo hiểm y tế là gì? Nghĩa vụ của người lao động khi tham gia bảo hiểm y tế là gì? Mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động hiện nay như thế nào? – Đây là những câu hỏi được rất nhiều người thắc mắc. Nội dung này sẽ được chia sẻ qua bài viết sau đây.

Quyền của người lao động khi tham gia bảo hiểm y tế là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 thì:

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định pháp luật..

Theo quy định tại Điều 36 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 về quyền của người lao động tham gia BHYT như sau:

– Được cấp thẻ bảo hiểm y tế khi đóng bảo hiểm y tế.

– Được đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tại đại lý bảo hiểm y tế trong phạm vi cả nước; được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm y tế 2008.

– Được khám bệnh, chữa bệnh.

– Được tổ chức bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế.

– Yêu cầu tổ chức bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và cơ quan liên quan giải thích, cung cấp thông tin về chế độ bảo hiểm y tế.

– Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế.

Quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia bảo hiểm y tế là gì?

Người lao động tham gia bảo hiểm y tế có nghĩa vụ gì?

Theo quy định tại Điều 37 Luật Bảo hiểm y tế 2008 về nghĩa vụ của người lao động khi tham gia BHYT bao gồm:

– Đóng bảo hiểm y tế đầy đủ, đúng thời hạn.

– Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ bảo hiểm y tế.

– Thực hiện các quy định tại Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế 2008 khi đến khám bệnh, chữa bệnh.

– Chấp hành các quy định và hướng dẫn của tổ chức bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi đến khám bệnh, chữa bệnh.

– Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài phần chi phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

Mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động hiện nay như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 về mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động như sau:

“Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;”

Và theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 như sau:

“Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);…”

Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên sẽ có mức đóng BHYT hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng.

Trong đó người lao động đóng 1/3 mức đóng, người sử dụng đóng 2/3 mức đóng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:

“Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.”

Như vậy, mức đóng BHYT hiện nay của người lao động khi tham gia BHYT thì hằng tháng bằng 1,5% tiền lương tháng của mình.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm y tế của người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế 2008 là tiền lương được ghi trong hợp đồng lao động của người lao động.

Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng./.

PHÒNG CTXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *