Điều trị nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết

Đột quỵ não đang dần trở thành một bệnh của thời đại, là bệnh đứng thứ 3 thế giới về tỉ lệ tử vong, là nguyên nhân chính gây tàn phế, di chứng nặng nề, trong đó, nhồi máu não chiếm tỷ lệ khoảng 85% tổng số bệnh nhân đột quỵ não. Điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết là biện pháp được khuyến cáo hàng đầu cho bệnh nhân nhồi máu não trong giai đoạn cấp, giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong cũng như di chứng.

Tiêu sợi huyết là một trong những phương pháp điều trị đặc biệt hiệu quả đối với người bệnh nhồi máu não cấp. Việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cho bệnh nhân bị nhồi máu não cấp đến sớm trong vòng 4,5 giờ đầu (giờ vàng) sau khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ đầu tiên, giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong cũng như hồi phục chức năng thần kinh tốt nhất cho người bệnh.

Theo BSCKI. Phạm Thị Quy: Phương pháp điều trị nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết là một phương pháp điều trị được khuyến cáo ở mức độ cao nhất ở nhiều quốc gia có nền y học phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản. Tại Việt Nam phương pháp này đã được áp dụng và đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Bằng việc tiêm thuốc tiêu sợi huyết vào tĩnh mạch để làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não ở  người bệnh nhồi máu não cấp mà không cần phẫu thuật hay các can thiệp xâm lấn. Đây cũng là phương pháp tối ưu giúp hạn chế di chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, giúp người bệnh nhồi máu não có nhiều cơ hội phục hồi chức năng sớm để trở lại với sinh hoạt bình thường.

Áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết từ năm 2015 đến nay, Khoa Thần Kinh, BVĐK tỉnh Thái Bình đã cấp cứu và điều trị thành công cho hàng trăm bệnh nhân bị nhồi máu não cấp đến trong “giờ vàng” với tỷ lệ thành công rất cao. Dưới đây là trường hợp bệnh nhân được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết kịp thời đã mang đến hiệu quả đặc biệt tích cực:

  • Bệnh nhân N.T.H (79 tuổi) nhập viện trong tình trạng nói khó, liệt nửa người bên trái, cơ lực tay và chân là 1/5, NISSH 10 điểm( mức độ nặng phụ thuộc hoàn toàn chăm sóc người nhà). Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ 3. Khi đã có đầy đủ các xét nghiệm, các bác sĩ nhận định bệnh nhân đạt đủ điều kiện dùng thuốc tiêu sợi huyết và chỉ định sử dụng phương pháp này. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành điều trị bằng tiêm thuốc tiêu sợi huyết. 15 phút sau tiêm, bệnh nhân hết nói khó, chân tay vận động chủ động tại giường. Hiện tại sau 4 ngày làm thủ thuật Tiêu sợi huyết, bệnh nhân tỉnh táo,không còn nói khó,tự vận động đi lại được.
  • Đến Bệnh viện cấp cứu khi bị nhồi máu não cấp ở giờ thứ 4 – giờ cuối trong giờ vàng cấp cứu đột quỵ, bệnh nhân P.V.D (53 tuổi) nhập viện trong tình trạng liệt mức độ nặng, phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân nhằm làm tan huyết khối. Sau khi tiêm thuốc khoảng 30 phút, bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi tốt, cơ lực cải thiện, tay chân có thể cử động được chủ động. Sau 3 ngày, bệnh nhân gần như hồi phục sức khỏe hoàn toàn, có thể đi lại sinh hoạt, nói chuyện bình thường.
Bệnh nhân đi lại sinh hoạt, nói chuyện bình thường sau 3 ngày (Ảnh 1)
Bệnh nhân đi lại sinh hoạt, nói chuyện bình thường sau 3 ngày (Ảnh 2)

Với các ca nhồi máu não như trường hợp của hai bệnh nhân trên, nếu chưa có phương pháp tiêu sợi huyết bệnh nhân có thể tử vong hoặc nếu may mắn sống sót thì phải chịu di chứng nặng nề như liệt nửa người, nói ngọng, méo mồm…gây khó khăn cho sinh hoạt, lao động, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết kịp thời đối với bệnh nhân đã giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch và phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, “thời gian” là “chìa khóa” quyết định thành công bởi thuốc tiêu sợi huyết khối đường tĩnh mạch có tác dụng tối ưu với bệnh nhân nhồi máu cấp tính trước 4,5h tính từ lúc khởi phát triệu chứng. Bởi vậy, sau khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ đột quỵ như đau đầu, nôn, méo miệng, yếu liệt tay chân, ngôn ngữ bất thường, rối loạn ý thức …người nhà cần nhanh chóng đưa ngay bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để được cấp cứu và điều trị càng sớm càng tốt./.

PHÒNG CTXH

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *