Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, có khoảng 60.000 – 70.000 người bị chết do bệnh dại, phần lớn được báo cáo từ các nước thuộc vùng nhiệt đới.
Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành phố. Những năm 1990-1995, tỷ lệ tử vong là 0,43/100.000 dân, trung bình mỗi năm có 350-500 ca tử vong. Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 92 về tăng cường phòng chống bệnh dại. Các biện pháp phòng chống bệnh dại đã được tăng cường và kết hợp nên số ca tử vong từ năm 1996 – 2007 đã giảm 75% so với năm 1995. Năm 2007, cả nước có 131 ca tử vong và đến năm 2017 số thống kê là 74 ca tử vong do bệnh dại. Dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, 100% cả người bị cắn và vật cắn đều tử vong. Thời gian ủ bệnh dại từ vài ngày đến vài tháng, thậm chí hàng năm, trong khi thời gian phát bệnh cho đến khi tử vong chỉ thay đổi từ 2 – 10 ngày.
1. Bệnh dại là gì?
Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính (một loại virus ARN thuộc họ rhabdovirus) của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
- Giai đoạn tiền triệu chứng: thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.
- Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, sợ nước, sợ tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên. Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.
Bệnh tiến triển theo hai thể cơ bản:
- Thể viêm não: Điều này xảy ra ở 80% số người mắc bệnh dại. Triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và sẽ tử vong nhanh chóng.
- Thể liệt hay “câm”: Liệt là một triệu chứng nổi bật. Xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.
2. Thời gian ủ bệnh dại ở người
Thời gian ủ bệnh dại là thời gian trước khi các triệu chứng xuất hiện. Khoảng thời gian từ khi đã nhiễm trùng đến khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên (thời gian ủ bệnh) thông thường là 1 đến 3 tháng ở người. Khoảng thời gian này rất hiếm khi gặp ngắn hơn 9 ngày hoặc dài hơn 1 năm. Tuy nhiên, có trường hợp đặc biệt ủ bệnh có 4 ngày và dài tới 6 năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của vết thương và lượng virus đưa vào.
Tử vong thường xảy ra từ 2 đến 10 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Khả năng sống sót của người bệnh hầu như không có khi các triệu chứng đã xuất hiện, ngay cả khi được chăm sóc đặc biệt.
3. Dự phòng bệnh dại ở người sau phơi nhiễm
Không phải 100% người bị súc vật cắn đều bị dại. Nguy cơ nhiễm dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm con vật có bị dại hay không, lượng virus trong nước bọt của con vật nhiều hay ít, vết thương nông hay sâu, có vệ sinh sát khuẩn vị trí tổn thương kịp thời ngay sau khi bị chó cắn hay không… Tiêm vắc-xin phòng dại ngay sau bị súc vật cắn vẫn là biện pháp phòng tránh và bảo vệ hiệu quả nhất. Khi bị súc vật cắn, cào, liếm vào vùng da bị tổn thương cần phải xử trí như sau:
3.1. Xử trí vết thương
- Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn (nếu có). Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn. Không đắp lá cây, dầu hỏa hoặc bất kì chất gì vào vết thương
- Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông. Nếu vết thương cần khâu cầm máu thì nên khâu thưa, không khâu thẩm mỹ.
3.2. Tiêm vắc-xin phòng uốn ván, phòng dại và kháng huyết thanh chống dại
Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng uốn ván, vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại (nếu vết thương độ III) ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc-xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp tùy theo phân độ vết thương và phác đồ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm sẽ có 2 phác đồ: tiêm bắp và tiêm trong da.
4. Ngày thế giới phòng chống bệnh dại 28/9
Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Việc tiêm phòng cho chó là chiến lược tiết kiệm chi phí nhất để ngăn ngừa bệnh dại ở người. Nhằm nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực của chính quyền và cộng đồng đối với hoạt động phòng chống dại, Liên minh Phòng chống bệnh dại Thế giới đã lựa chọn ngày 28 tháng 9 hàng năm là “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại”.
Để phòng chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
- Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
- Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
- Khi bị chó, mèo cắn cần:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có).
- Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
PHÒNG CTXH
- 6 cách tránh ngạt khói trong đám cháy
- Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 10/4/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình: Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Bình
- Sửa chữa máy siêu âm Dopler màu H60 của khoa Chẩn đoán hình ảnh
- Giá thuốc của nhà thuốc Bệnh viện năm 2023
- Trao quyết định phụ trách khoa Hồi sức tích cực – Chống độc