Đây là thông điệp của ngày Phòng chống bệnh đái tháo đường thế giới 14/11 năm nay.
Chiến dịch hưởng ứng Ngày phòng chống bệnh đái tháo đường Thế giới năm 2023 được tổ chức trên toàn thế giới với chủ đề “Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường” và thông điệp cụ thể “Hiểu nguy cơ, Biết hành động” (Know your risk, Know your response) tập trung vào tầm quan trọng của việc biết nguy cơ của bệnh đái tháo đường để giúp phòng và trì hoãn bệnh tiến triển. Đồng thời nêu bật tác động của các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường cũng như tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin và chăm sóc phù hợp để đảm bảo điều trị kịp thời và quản lý bệnh đái đường type 1, 2 và đái tháo đường thai kỳ, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của những người đang chung sống cùng bệnh.
Khuyến cáo làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường ở người lớn không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng:
+ Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:
- Có người thân đời thứ nhất ( bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ ) bị ĐTĐ
- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch
- Tăng huyết áp (HA ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị THA)
- HDL cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/L) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/L)
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
- Ít hoạt động thể lực
- Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như dấu gai đen: acanthosis nigricans).
+ Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất mỗi 3 năm.
+ Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên
+ Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1- 3 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.
Bệnh đái tháo đường nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị, chăm sóc đúng cách thì có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và cắt cụt chân….Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ lệ mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng và trẻ hóa, kiểm tra đường huyết định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm là cách đơn giản nhất để tầm soát đái tháo đường. Ngay khi có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, bệnh nhân cần cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để được tư vấn và đặt lịch khám với chuyên gia nội tiết về bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, quý khách vui lòng liên hệ theo số điện thoại:
- Khoa Nội tiết: 02273.648.918
- Khoa Khám bệnh: 02273.841.730 hoặc 02273.830.158
PHÒNG CTXH
- Hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống tự tử 10/9/2024
- Hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết năm 2023 (15/6): Không có lăng quăng, không muỗi, không Sốt xuất huyết
- Thông báo ban hành giá dịch vụ trông giữ xe tại Bệnh viện
- Hội nghị cán bộ chủ chốt lấy ý kiến bổ nhiệm lại đối với chức danh Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình
- Nội soi cắt u lành tính tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt)