Bệnh dại – Căn bệnh nguy hiểm không thể coi thường

Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay cả nước ghi nhận sự gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong do bệnh Dại, tăng gấp đôi so với cùng kì năm 2023. Tại Thái Bình, năm 2023 và đầu năm 2024 tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong do Dại nhưng trong 02 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 1.265 trường hợp đi tiêm vắc xin phòng Dại, 119 trường hợp sử dụng huyết thanh kháng dại (tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023).

1. Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là bệnh do vi rút lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nhưng có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại sang người. Tuy nhiên, bệnh dại cũng có thể ảnh hưởng đến cả động vật nuôi và động vật hoang dã. Virus dại lây lan sang người và động vật qua nước bọt, thường là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ như mắt, miệng hoặc vết thương hở). Trẻ em từ 5 tuổi đến 14 tuổi là nạn nhân thường xuyên của căn bệnh này. Bệnh dại hiện diện ở tất cả các châu lục ngoại trừ Nam Cực, và hơn 95% số ca tử vong ở người xảy ra tại châu Á và châu Phi.

2. Thời gian ủ bệnh dại ở người

Thời gian ủ bệnh dại là thời gian trước khi các triệu chứng xuất hiện. Khoảng thời gian từ khi đã nhiễm trùng đến khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên (thời gian ủ bệnh) thông thường là 1 đến 3 tháng ở người. Khoảng thời gian này rất hiếm khi gặp ngắn hơn 9 ngày hoặc dài hơn 1 năm. Tuy nhiên, có trường hợp đặc biệt ủ bệnh có 4 ngày và dài tới 6 năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của vết thương và lượng virus đưa vào.

Tử vong thường xảy ra từ 2 đến 10 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Khả năng sống sót của người bệnh hầu như không có khi các triệu chứng đã xuất hiện, ngay cả khi được chăm sóc đặc biệt.

3. Dự phòng bệnh dại ở người sau phơi nhiễm

Không phải 100% người bị súc vật cắn đều bị dại. Nguy cơ nhiễm dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm con vật có bị dại hay không, lượng virus trong nước bọt của con vật nhiều hay ít, vết thương nông hay sâu, có vệ sinh sát khuẩn vị trí tổn thương kịp thời ngay sau khi bị chó cắn hay không… Tiêm vắc-xin phòng dại ngay sau bị súc vật cắn vẫn là biện pháp phòng tránh và bảo vệ hiệu quả nhất. Khi bị súc vật cắn, cào, liếm vào vùng da bị tổn thương cần phải xử trí như sau:

3.1. Xử trí vết thương

Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn (nếu có). Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.

Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn. Không đắp lá cây, dầu hỏa hoặc bất kì chất gì vào vết thương

Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông. Nếu vết thương cần khâu cầm máu thì nên khâu thưa, không khâu thẩm mỹ.

3.2. Tiêm vắc-xin phòng uốn ván, phòng dại và kháng huyết thanh chống dại

Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng uốn ván, vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại (nếu vết thương độ III) ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc-xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp tùy theo phân độ vết thương và phác đồ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm sẽ có 2 phác đồ: tiêm bắp và tiêm trong da./.

PHÒNG CTXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *