Chấn thương sọ não: nhận biết và điều trị thế nào?

Chấn thương sọ não là nguyên nhân gây tử vong cao, đặc biệt là tại các nước công nghiệp và các nước đang phát triển. Điều trị chấn thương sọ não khá phức tạp, đòi hỏi yếu tố chuyên môn, các thiết bị máy móc hiện đại và thời gian hồi phục chức năng lâu dài.

1. Chấn thương sọ não là gì?

Chấn thương sọ não là tình trạng người bệnh bị sang chấn vào đầu gây tổn thương hộp sọ và các cấu trúc khác bên trong hộp sọ. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh; thường xuất hiện sau tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, thương tích chiến tranh…

2. Triệu chứng của chấn thương sọ não

Tùy vào nguyên nhân chấn thương, thời gian, vị trí, tuổi,… mà biểu hiện của chấn thương sọ não là rất đa dạng.

2.1 Triệu chứng nhẹ

Về thể chất và cảm giác

  • Đau đầu
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Mệt mỏi
  • Gặp vấn đề về lời nói
  • Chóng mặt hoặc mất thăng bằng
  • Các vấn đề về giác quan, chẳng hạn như: nhìn mờ, ù tai, thay đổi vị giác và khứu giác
  • Nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh

Về nhận thức và tinh thần

  • Mất ý thức trong vài giây đến vài phút
  • Có thể không mất ý thức, nhưng bị choáng váng, hoặc mất định hướng
  • Các vấn đề về trí nhớ hoặc khả năng tập trung
  • Thay đổi tâm trạng, dễ xúc động, phiền muộn, tức giận và khó chịu
  • Cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng
  • Khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường.

Các triệu chứng của chấn thương sọ não nhẹ thường cải thiện theo thời gian và hầu hết những người bị chấn thương sọ não nhẹ có thể cảm thấy tốt hơn sau vài tuần điều trị.

2.2 Triệu chứng của chấn thương sọ não từ trung bình đến nặng

Chấn thương sọ não từ trung bình đến nặng có thể bao gồm bất kỳ triệu chứng nào của chấn thương nhẹ với mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài hơn, ngoài ra cũng có thể có thêm những biểu hiện khác. Thời gian xuất hiện từ trong vòng vài giờ đầu cho đến vài ngày sau chấn thương đầu.

Về thể chất

  • Đau đầu dai dẳng hoặc đau đầu tăng dần
  • Mất ý thức kéo dài nhiều phút đến nhiều giờ
  • Nôn hoặc buồn nôn liên tục
  • Co giật
  • Giãn đồng tử (con ngươi) ở một hoặc cả hai bên mắt
  • Mất thị lực ở một hoặc cả hai bên mắt
  • Dịch chảy ra từ mũi hoặc tai
  • Không có khả năng thức dậy sau khi ngủ
  • Yếu hoặc tê ở tay và chân
  • Mất khả năng phối hợp động tác

Về nhận thức và tinh thần

  • Lú lẫn nặng
  • Kích động hoặc có các hành vi bất thường khác
  • Nói lắp
  • Hôn mê và các rối loạn ý thức khác

3. Cách xử trí/ cấp cứu tại chỗ

Khi bạn phát hiện người gặp nạn bị va đập đầu, điều đầu tiên là thông báo ngay cho mọi người xung quanh trợ giúp. Không nên vội vàng di chuyển nạn nhân. Khi di chuyển phải thực hiện đúng các phương pháp mang vác, khiêng cáng. Đặc biệt thận trọng với những nạn nhân đang nghi ngờ bị tổn thương cột sống.

  • Đặt bệnh nhân nằm ở nơi thoáng khí theo tư thế chống sốc, nếu không có chảy máu đầu cổ, không bị nhồi máu cơ tim thì đầu kê thấp, kê chân cao khoảng 20 cm. Bệnh nhân có thể được ủ ấm bằng áo hoặc chăn. Tập trung sơ cứu những tổn thương nghiêm trọng nhất, cần ưu tiên hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
  • Nếu gặp một nạn nhân bị chấn thương vào đầu, có chảy máu nhiều ở vết thương da đầu, cần tìm cách băng cầm máu ngay. Các cách băng tùy thuộc vào nơi chảy máu. Gọi xe cấp cứu sau khi sơ cứu, ghi nhận tình trạng tri giác của nạn nhân lúc tiếp cận để báo lại cho nhân viên y tế. Đây là dữ kiện rất quan trọng cho việc chẩn đoán và điều trị nạn nhân. Nếu không thể gọi cấp cứu, những người có mặt phải lập tức tìm mọi cách để đưa nạn nhân đến bệnh viện.
  • Với những bệnh nhân bị vỡ, móp hộp sọ, cần xử trí tình trạng ngưng tim ngưng thở trước. Trong khi sơ cứu, đặt nạn nhân nằm nghiêng cho lưỡi hạ xuống thấp, để đờm dãi và máu chảy ra ngoài dọc theo lưỡi nhằm tránh gây tắc nghẽn đường hô hấp. Sau khi xử trí cấp cứu ban đầu, cần tìm phương tiện đưa nạn nhân đến trung tâm y tế hay bệnh viện gần nhất. Trong khi vận chuyển cần phải giữ thẳng cột sống cho đến khi nạn nhân được chuyển đến trung tâm cấp cứu gần nhất, vì gập cột sống có thể làm nạn nhân ngừng thở đột ngột.
  • Nếu nạn nhân đập đầu nhẹ, không cần dùng các biện pháp sơ cứu chấn thương sọ não, tuy nhiên cần đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng bất thường.
  • Với bệnh nhân bị va đập đầu nhưng chưa có biểu hiện nguy kịch, người nhà cũng nên theo dõi chặt chẽ trong hai ngày. Khi thấy có dấu hiệu: nôn ói, đau đầu, sốt, rỉ máu tai miệng, thân nhiệt thấp, chân tay lạnh, lơ mơ, nói sảng, hỏi không trả lời, cấu véo không phản ứng, thì phải lập tức đưa đến bệnh viện. Tuyệt đối không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc, chỉ cho ăn uống nhẹ như cháo hoặc súp, không dùng thức uống có cồn.
  • Vận chuyển đến cơ sở y tế có chuyên khoa phẫu thuật thần kinh gần nhất.

4. Dấu hiệu cần trở lại bệnh viện

Chấn thương sọ não có thể nguy hiểm hơn các triệu chứng mà nó thể hiện, vì thế không nên chủ quan, khi có những dấu hiệu sau bạn cần trở lại bệnh viện ngay:

  • Nhức đầu dai dẳng
  • Trầm cảm
  • Lo âu, sợ hãi, kích thích
  • Thay đổi tính tình, tính cách, tâm thần trì trệ
  • Có chảy dịch trong qua tai, mũi
  • Ngủ nhiều
  • Ói mửa, động kinh
  • Giảm: nghe, ngửi mùi
  • Trí nhớ giảm
  • Nhịp thở khác thường, sốt >38oC

Để được tư vấn chi tiết về các gói khám cũng như cách đặt lịch khám bệnh, quý khách vui lòng liên hệ số HOTLINE:

  • Đặt lịch đăng kí khám bệnh: 645.270
  • Tư vấn, hướng dẫn: 02273.831.102

PHÒNG CTXH