Xuất huyết bầm tím trên cơ thể – cảnh báo điều gì?

Nhiều người vẫn thường chủ quan khi trên cơ thể thường xuyên xuất hiện các vết bầm tím không rõ nguyên nhân ở trên da khu vực cánh tay, chân, đùi…Tuy nhiên theo quan điểm y học, khi cơ thể thường xuyên xuất hiện những vết bầm tím trên da không rõ lý do, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về các vấn đề về sức khỏe.

Bầm tím có thể tự lành, cũng có thể là bệnh lý nào đó cần được điều trị

Xuất huyết bầm tím trên cơ thể là gì?

Xuất huyết hay bầm tím trên cơ thể thông thường là một chấn thương da phổ biến hoặc là kết quả của các mạch máu vận chuyển máu qua lại giữa tim, các mô và cơ quan của cơ thể bị vỡ. Mạch máu bị vỡ do tổn thương hay suy yếu khiến hồng cầu thoát ra khỏi thành mạch và thoái hóa, gây nên các mảng bầm đen, vàng, xanh dương mà y học còn gọi là tình trạng xuất huyết trên da.

  • Xuất huyết bầm tím thông thường: Hầu hết các vết bầm tím, xuất huyết trên da và niêm mạc không có gì đáng lo ngại . Vì thông thường, các vết bầm tím sẽ thỉnh thoảng mới xuất hiện, biến mất sau 1 đến vài tuần, và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Màu sắc vết bầm tím sẽ thay đổi theo thời gian ( từ đỏ à xanh tím à vàng à nhạt màu à biến mất không để lại dấu vết)
  • Xuất huyết bầm tím bất thường: Những biểu hiện bầm tím da bất thường xuất hiện nhiều, liên tục, tái diễn, trên những vị trí cơ thể ít có nguy cơ bầm tím như lưng , ngực… kèm theo các biểu hiện khác như sụt cân, khát nước, sốt, mệt mỏi, ăn kém, đau mỏi cơ khớp, nổi hạch, suy nhược cơ thể… thì đó là dấu hiệu cảnh báo bất thường. Chúng ta nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa huyết học sớm nhất có thể để kịp thời phát hiện nguyên nhân.

Xuất huyết bầm tím bất thường trên cơ thể – Cảnh báo điều gì?

Tại khoa Huyết học lâm sàng – BVĐK tỉnh Thái Bình đã có rất nhiều trường hợp người bệnh phát hiện các bệnh lý nguy hiểm thông qua việc đến khám khi cơ thể xuất hiện các vết bầm tính, xuất huyết như:

Ung thư máu: có các dấu hiệu sớm nhất đó là bầm tím trên da do sụt giảm tế bào tiểu cầu – là tế bào thực hiện nhiệm vụ cầm máu cho cơ thể. Quá trình tạo máu bất thường sinh ra những tế bào ung thư. Các tế bào ung thư này sinh sản rất nhanh và lấn áp những tế bào máu bình thường. Nếu không được phát hiện sớm và kịp thời có gây nguy hiểm đến tính mạng.

Rối loạn đông máu:

  • Rối loạn đông máu bẩm sinh (Hemophilia): Thường biểu hiện bằng việc xuất hiện các vết bầm tím trên cơ và khớp. Nếu bệnh nhân không phát hiện sớm sẽ gây nên các biến chứng như teo cơ, cứng khớp. Bệnh rối loạn đông máu bẩm sinh bắt buộc bệnh nhân phải đến khám và điều trị tại các cơ sở khám chuyên khoa
  • Rối loạn đông máu mắc phải: Là tình trạng rối loạn đông máu do ngộ độc trực tiếp hoặc gián tiếp bởi những hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, sản phẩm thuốc nam – thuốc lá không rõ nguồn gốc gây nên tình trạng suy giảm các yếu tố đông máu tại gan. Gây nên tình trạng cơ thể dễ bị bầm tím và chảy máu dưới các tác động tự nhiên.

Xuất huyết bầm tím do suy giảm chức năng và số lượng tiểu cầu như xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, suy giảm chức năng tiểu cầu bẩm sinh và mắc phải, suy tủy hoặc rối loạn suy tủy…

Giảm tiểu cầu giai đoạn thai kỳ: Thường xuất hiện ở những phụ nữa mang thai có tiền sử mang thai không thuận lợi như thai lưu, xảy thai… Nếu không phát hiện sớm và kịp thời thì quá trình mang thai rất dễ xảy thai hoặc người mẹ trong quá trình chuyển dạ rất dễ xuất hiện các biến chứng như băng huyết sau sinh, tắc mạch ối…. Thực tế, các bà mẹ khi mang thai thường chỉ đi siêu âm mà không để ý đến các dấu hiệu cảnh báo khác như việc xuất hiện các vết bầm tím bất thường để thực hiện các xét nghiệm máu. Do đó việc phát hiện các bệnh lý rối loạn đông máu ở phụ nữ có thai ở giai đoạn sớm thường rất ít. Bệnh nhân đến khám tại chuyên khoa HHLS đa số đã ở giai đoạn nặng, có biến chứng, gây nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ và bé.

Các bệnh lý khác như: Tiểu đường giai đoạn biến chứng, xơ gan, suy gan cấp, suy thận, hội chứng cushing do thuốc, K di căn, sốt xuất huyết, sốt virus, u xơ tử cung gây rong kinh thiếu máu….

Xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể – Nên làm gì?

Các vết bầm tím trên cơ thể có nhiều mức độ khác nhau. Thông thường, chúng ta chỉ có thể xử lý các vết bầm tím thông thường trên niêm mạc và da ở mức độ nhẹ bằng các phương pháp:

  • Chườm lạnh: sử dụng túi đựng đá hoặc chai nước mát chườm nhẹ nhàng trên bề mặt vùng bầm tím xuất huyết với tần suất 10 phút/ lần trong 48 giờ đầu. Chú ý: không được chườm nóng, ấm. Chúng ta chỉ có thể chườm ấm khi tình trạng xuất huyết không còn xuất hiện nữa và sau ít nhất 48 giờ.
  • Gác (để cao) vị trí chân, tay bầm tím cao hơn toàn thân để lưu thông máu tốt hơn. (Xử trí trong 48 giờ đầu).
  • Sử dụng 1 số thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc anphachyo để giảm sưng tấy. Tuyệt đối không dùng các thuốc như tiêu viêm, một số thuốc giảm đau có tên như aspirin, ibupropen, corticoid.
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng và vitamin hợp lý.
  • Bổ sung collagen (25 tuổi trở lên mỗi 3-6 tháng/ lần)

 Nếu các biện pháp kể trên khi áp dụng không làm tình trạng bầm tím bớt đi  hoặc vẫn hay tái diễn thì tốt nhất chúng ta nên đi khám bệnh sớm ở các cơ sở y tế hoặc tốt nhất tại các phòng khám chuyên khoa huyết học.

Khoa Huyết học lâm sàng – BVĐK tỉnh Thái Bình là chuyên khoa duy nhất của BVĐK tỉnh Thái Bình được thành lập chuyên sâu cho việc khám chữa bệnh chuyên ngành bệnh máu với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao cùng hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, hệ thống xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 15189:2012. Khi có các biểu hiện xuất huyết bất thường, người dân có thể đến BVĐK tỉnh Thái Bình để được thăm khám, tư vấn các bệnh về máu.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ theo số điện thoại:

  • Khoa Huyết học lâm sàng: 02273.645.000
  • Phòng Công tác xã hội: 02273.831.102

Chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến « XUẤT HUYẾT BẦM TÍM TRÊN CƠ THỂ – CẢNH BÁO ĐIỀU GÌ? » với sự tham gia tư vấn của BSCKI. Đỗ Thị Phụng Hồng – Phó trưởng Khoa Huyết học lâm sàng:

 

PHÒNG CTXH