Bệnh xơ gan – cách nhận biết và điều trị

Xơ gan là tổn thương gan mạn tính không hồi phục, gây ra do nhiều nguyên nhân, đặc trưng trên mô bệnh học bởi sự xơ hóa lan tỏa, đảo lộn cấu trúc tế bào gan, hình thành các nốt (Nodule) có cấu trúc bất thường.

Xơ gan chia làm 2 giai đoạn: Xơ gan còn bù (giai đoạn tiềm tàng); Xơ gan mất bù (giai đoạn tiến triển).

Bệnh này xảy ra do nhiều nguyên nhân như: virus viêm gan B, C, do rượu, do ứ mật kéo dài, do thuốc, hóa chất, do rối loạn chuyển hóa sắt, đồng…

1. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Xơ gan còn bù: được xem là giai đoạn đầu của bệnh xơ gan, kéo dài trong nhiều năm và thường không biểu hiện triệu chứng. Các triệu chứng nếu có cũng rất mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như mệt mỏi, chán ăn, giảm cân, đau hạ sườn phải…

Xơ gan mất bù:

  • Hội chứng suy tế bào gan: mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, vàng da, củng mạc mắt vàng, phù, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, bàn tay son, giảm ham muốn tình dục, biểu hiện qua mãn kinh sớm (ở phụ nữ) hoặc tuyến vú phát triển (ở nam giới), tinh hoàn teo lại….
  • Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa: cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ, lách to, xuất huyết tiêu hóa …

2. Xử trí và cấp cứu tại chỗ

  • Đặt người bệnh nghỉ ngơi tại giường đặc biệt với những bệnh nhân có phù, cổ trướng.
  • Gọi xe cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa người bệnh đến các trung tâm y tế gần nhất.

3. Phương pháp điều trị

  • Giai đoạn còn bù:

+ Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý;

+ Làm việc, ăn uống và sinh hoạt bình thường nhưng tránh vận động mạnh;

+ Ăn nhạt và kiêng rượu bia.

  • Giai đoạn mất bù:

+ Điều trị nguyên nhân: loại bỏ rượu, dùng thuốc kháng virus viêm gan B, viêm gan C…

+ Điều trị triệu chứng: Rối loạn đông máu; Tăng đào thải mật; Cổ trướng.

+ Điều trị và dự phòng biến chứng: xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng dịch cổ trướng, tiền hôn mê gan, hôn mê gan,…

4. Tư vấn chăm sóc

– Không được uống rượu.

– Hạn chế đạm khi xơ gan mất bù vì có nguy cơ hôn mê gan. Khi có dấu hiệu tiền hôn mê gan phải giảm lượng đạm trong khẩu phần thức ăn.

– Ăn nhiều bữa trong ngày.

– Vệ sinh mũi, miệng sạch sẽ, phòng nhiễm khuẩn và tạo cảm giác ngon miệng.

– Giảm phù và cổ trướng: Để bệnh nhân nghỉ ngơi, ăn hạn chế muối khi có phù và cổ trướng.

– Theo dõi biến chứng chảy máu tiêu hóa (nôn máu, ỉa phân đen).

– Theo dõi biến chứng hôn mê gan (tinh thần chậm chạp hoặc kích thích).

– Tiêm phòng vaccine viêm gan B cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh.

– Lựa chọn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm để phòng ngừa nhiễm các hóa chất, phẩm màu độc hại gây tổn hại gan.

– Uống thuốc đúng giờ, đúng hàm lượng theo đơn bác sĩ

– Đối với những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính cần theo dõi định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần.

  • Thời gian tái khám:

+ 7 – 10 ngày với bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu điều trị cổ trướng.

+ 14 – 21 ngày với bệnh nhân sau thắt tĩnh mạch thực quản.

+ 1 tháng sau tiêm xơ tĩnh mạch phình vị.

+ 1 – 3 tháng với bệnh nhân đang điều trị thuốc ức chế virus.

+ 3 – 6 tháng với bệnh nhân xơ gan giai đoạn ổn định.

PHÒNG CTXH