Viêm tuyến nước bọt – Triệu chứng và cách điều trị

Viêm tuyến nước bọt không phải là bệnh lý nguy hiểm song không vì thế mà chủ quan để bệnh kéo dài. Các biến chứng viêm tuyến nước bọt có thể để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sức khỏe và thẩm mỹ, chẳng hạn như: áp xe tuyến nước bọt, biến dạng mặt, tắt nghẽn đường thở, nhiễm trùng huyết…

Viêm tuyến nước bọt là gì?


Viêm tuyến nước bọt là tình trạng tuyến nước bọt bị nhiễm trùng gây sưng, đau. Nguyên nhân có thể do nhiễm virus hoặc do ống dẫn nước bọt bị tắc nghẽn, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh hoạt động.

Triệu chứng/ dấu hiệu nhận biết?


Dấu hiệu viêm tuyến nước bọt thường thấy bao gồm:

  • Tuyến nước bọt mang tai hoặc dưới hàm hai bên: Viêm sưng các tuyến này có thể gây biến dạng mặt như mặt phình to, cổ bạnh và cằm xệ.
  • Da vùng tuyến mang tai: Có thể căng cứng, bóng nhưng thường không đỏ, sờ nóng đau; nếu viêm tuyến nước bọt do virus thì khi ấn vào không thấy lõm; nếu viêm do vi khuẩn thì đỏ da và ấn vào có thể lõm
  • Nước bọt: Giảm, ít và quánh.
  • Lỗ ống tuyến: Nếu viêm do vi khuẩn, lỗ ống tuyến sẽ thấy viêm đỏ hoặc/và có mủ chảy ra khi vuốt dọc ống tuyến.
  • Góc hàm: Sưng to do tuyến nước bọt mang tai/dưới hàm hoặc do hạch to.
  • Biểu hiện viêm tuyến nước bọt khác: Đau họng, há miệng hoặc bị đau hàm; khi nuốt đau lan ra tai; sốt ớn lạnh kèm đau đầu; mệt mỏi; hôi miệng. Trường hợp nếu nhiễm trùng tuyến nước bọt do khối u sẽ cảm thấy u cục, cứng khu vực bị viêm.

Người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi tình trạng viêm bắt đầu gây khó khăn cho việc ăn uống, nuốt hoặc thở gây đau nhiều, các triệu chứng không thuyên giảm mặc dù đã ngậm nước muối, vệ sinh răng miệng và điều trị tại nhà.

 Biến chứng


Tình trạng viêm tuyến nước bọt nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm như:

  • Áp xe tuyến nước bọt: Tình trạng nhiễm trùng không được kiểm soát hoặc điều trị kịp thời để lâu có thể gây tích tụ mủ và biến chứng thành áp xe.
  • Phì đại tuyến nước bọt: Viêm nhiễm tuyến nước bọt mạn tính có thể dẫn đến phì đại tuyến nước bọt. Bên cạnh đó, phì đại tuyến nước bọt có thể do nguyên nhân tự miễn, u tân sinh
  • Tắc nghẽn đường thở: Nhiễm trùng không được kiểm soát có thể dẫn đến sưng cổ và tắc nghẽn đường thở. Nhiễm trùng nước bọt lan đến xương mặt có thể khó kiểm soát
Viêm tuyến nước bọt dưới hàm gây đau nhức khó chịu

Phương pháp điều trị


Nếu nhiễm trùng tuyến nước bọt không có biến chứng thì có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, đối với trẻ em và trẻ nhỏ, những người có miễn dịch yếu thì bác sĩ khuyến nghị nên đến bệnh viện để thăm khám sớm nhất. Bởi vì ở các đối tượng này, tình trạng nhiễm trùng có thể diễn tiến nặng và có nguy cơ gây ra các biến chứng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Điều trị viêm tuyến nước bọt còn tùy thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng và mức độ nghiệm trọng của bệnh mà người bệnh đang gặp phải.

  • Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn: Dùng thuốc kháng sinh để điều trị vi khuẩn. Lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh là cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và uống đủ liều, không tự ý ngưng thuốc giữa chừng nhằm tránh tình trạng đề kháng kháng sinh, gây khó khăn cho việc điều trị về sau.
  • Nếu nhiễm trùng do virus: theo dõi hoặc sử dụng thuốc kháng vi-rút nếu cần.
  • Nếu có áp xe, tụ mủ: Cần rạch dẫn lưu dịch mủ. Trường hợp viêm do tắc nghẽn có nguyên nhân từ sỏi tuyến nước bọt thì có thể sử dụng liệu pháp xoa bóp nhẹ nhàng khu vực tắc nghẽn để loại bỏ sỏi.
  • Trường hợp tắc nghẽn do gấp khúc tuyến nước bọt: Có thể phẫu thuật để sửa chữa hoặc loại bỏ các đường gấp khúc hoặc các ống bị hẹp ảnh hưởng đến dòng chảy của nước bọt.
  • Nếu nhiễm trùng tuyến nước bọt có nguồn gốc từ tình trạng tự miễn: Người bệnh cần điều trị ổn định miễn dịch và nâng cao đề kháng chẳng hạn như tăng cường bồi bổ sau phẫu thuật, điều trị bệnh đái tháo đường.

Nếu nhiễm trùng không đáp ứng với kháng sinh tiêm tĩnh mạch sau 48 giờ, có thể cần phải phẫu thuật và dẫn lưu tuyến nước bọt để kiểm soát nhiễm trùng. Nếu sỏi nước bọt làm tắc nghẽn các tuyến và góp phần gây nhiễm trùng, người bệnh có thể cần nội soi ống tuyến lấy sỏi để nhiễm trùng không tái phát. Đối với trường hợp có sỏi nước bọt lớn, mổ mở cắt tuyến nước bọt sẽ được đặt ra.

Tư vấn chăm sóc


Chăm sóc bệnh nhân viêm tuyến nước bọt:

  • Uống nhiều nước.
  • Ăn kẹo cứng hoặc uống nước chanh để tăng lưu lượng nước bọt.
  • Chườm ấm.
  • Xoa bóp các tuyến nước bọt.
  • Vệ sinh răng miệng kỹ.
  • Tránh để thức ăn dính vào vòm miệng; ăn miếng nhỏ và nhai kỹ; tránh đồ uống có cồn hoặc axit; đặc biệt người bệnh không nên dùng nước súc miệng hóa học.

Làm sao để phòng tránh viêm tuyến nước bọt:

  • Bỏ thuốc lá, rượu bia.
  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng;
  • Tránh để cơ thể mất nước bằng cách uống đủ 2 lít nước mỗi ngày;
  • Có thể nhai kẹo cứng hoặc kẹo cao su để kích thích tiết nước bọt;
  • Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, tập thể dục mỗi ngày để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh.

Các thắc mắc thường gặp về bệnh viêm tuyến nước bọt:

  • Viêm tuyến nước bọt có lây không?

Viêm tuyến nước bọt là bệnh không lây nhiễm nên bạn không cần phải tránh tiếp xúc với người bệnh.

  • Viêm tuyến nước bọt uống thuốc gì?

Viêm tuyến nước bọt nhẹ có thể không cần uống thuốc, hoặc chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau. Các thuốc sử dụng trong viêm tuyến nước bọt bao gồm: thuốc kháng sinh, giảm viêm, giảm đau tuy nhiên cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự mua thuốc kháng sinh về uống, hoặc điều trị bằng các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

  • Viêm tuyến nước bọt có nổi hạch không?

Khi viêm và nhiễm trùng tuyến nước bọt sẽ gây phản ứng hạch tại chỗ tại vùng. Các hạch dẫn lưu tuyến nước bọt bao gồm: hạch trước tai, hạch sau tai, hạch góc hàm và hạch cổ… đặc điểm các hạch này là hạch sưng to, sờ di động dưới da, ấn đau. Nếu tình trạng viêm hạch nặng có thể gây hoại tử hoặc áp xe hạch. Khi tình trạng viêm không còn, hạch cổ cũng sẽ giảm viêm và nhỏ dần kích thước sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

  • Viêm tuyến nước bọt có phải quai bị không?

Bệnh quai bị có thể gây viêm tuyến nước bọt, nhất là tuyến nước bọt mang tai. Tuy nhiên, viêm tuyến nước bọt còn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác. Ví dụ do vi-rút (Virus quai bị, HIV, Coxsackievirus, Parainfluenza loại 1 và 2, Virus herpes, virus cúm A…) hoặc vi khuẩn thường gây viêm tuyến nước bọt là Staphylococcus aureus gây ra, các loại vi khuẩn khác bao gồm vi khuẩn liên cầu, vi khuẩn Coliform…

  • Viêm tuyến nước bọt có tự khỏi không và bao lâu thì khỏi bệnh?

Nếu nhiễm trùng tuyến nước bọt không có biến chứng thì có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Thông thường tình trạng viêm diễn ra khoảng từ 1-2 tuần sẽ hết.

  • Chữa viêm tuyến nước bọt có cần phải phẫu thuật không?

Trường hợp phẫu thuật có thể được chỉ định nếu nhiễm trùng không bắt đầu đáp ứng với kháng sinh tiêm tĩnh mạch sau 48 giờ. Đồng thời cần dẫn lưu tuyến nước bọt để kiểm soát nhiễm trùng.

Để được tư vấn chi tiết về các gói khám cũng như cách đặt lịch khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, quý khách vui lòng liên hệ số HOTLINE:

  • Đặt lịch đăng kí khám bệnh: 02273.841.730
  • Tư vấn hướng dẫn: 02273.831.102
  • Khoa Răng hàm mặt: 02273.841.736

PHÒNG CTXH