Cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc

Những vụ việc ngộ độc rượu xảy ra ở một số tỉnh, thành trong đó có tỉnh Thái Bình thời gian vừa qua là lời cảnh báo đối với tình trạng lạm dụng rượu, bia; đặc biệt là sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong năm 2022, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (HSTC – CĐ) tiếp nhận và điều trị khoàng 50 bệnh nhân ngộ độc rượu trong đó có 10 trường hợp ngộ độc nặng cần thở máy, lọc máu và chuyển tuyến điều trị tiếp, 02 ca tử vong do ngộ độc rượu – theo dõi ngộ độc methanol, 02 bệnh nhân tổn thương não di chứng hôn mê mạn tính.

Ngày 05/02/2023, Khoa Hồi sức tích cực – BVĐK tỉnh Thái Bình tiếp nhận trường hợp bệnh nhân M. chuyển về từ Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân bị ngộ độc rượu trong bữa tiệc gặp mặt đầu xuân, xét nghiệm mẫu rượu cho thấy có tới 58% là methanol (cồn công nghiệp), chỉ có 1% là ethanol (cồn sinh học). Bệnh nhân chuyển về trong tình trạng hôn mê sâu, thở phụ thuộc máy hoàn toàn, tổn thương não, phù não lan tỏa hai bên.

Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại khoa HSTC – CĐ

BSCKI. Nguyễn Văn Trọng – Khoa HSTC – CĐ cho biết: Rượu methanol dễ gây ngộ độc hơn vì sản phẩm chuyển hóa của methanol là acid formic rất độc, đây cũng là tác nhân lớn làm ngộ độc rượu gây tổn thương đến các tế bào ở mắt và não. Dù không chứa độc tính  như rượu methanol, rượu ethanol cũng gây ngộ độc khi uống quá nhiều trong thời gian ngắn, hay lạm dụng rượu trong thời gian dài. Người bị ngộ độc rượu sẽ có các triệu chứng bao gồm:

  • Da hơi xanh, hoặc tím đặc biệt vùng xung quanh môi và móng tay
  • Lú lẫn, phản ứng chậm, không thể đi lại
  • Khó khăn trong việc duy trì ý thức
  • Hạ thân nhiệt
  • Nói không rõ, nói ngọng
  • Nôn mửa
  • Thở chậm, thở không đều
  • Đi tiểu tiện không kiểm soát
  • Cơ thể có mùi rượu nồng
  • Đau bụng, chướng bụng
  • Tê yếu một bên tay, chân hoặc mặt
  • Trong tình trạng nghiêm trọng người bệnh có thể co giật, hôn mê, nghẹt thở, tổn thương não và tử vong

Đặc biệt, với những trường hợp nhiễm methanol, ngoài những biểu hiện như buồn nôn, ý thức chậm chạp… người bệnh còn xuất hiện triệu chứng nhìn mờ, khó thở, đau đầu nhiều. Các biểu hiện này thường xuất hiện sau 2 – 4h sau khi uống rượu.

Bác sĩ cũng khuyến cáo thêm: Cách tốt nhất để ngừa ngộ độc rượu không uống rượu hoặc hạn chế uống rượu. Kiểm soát bản thân và người uống cùng, nên từ chối dứt khoát khi bị ép uống rượu. Ngoài ra, có thể ngăn ngừa ngộ độc rượu bằng các cách sau:

  • Tránh chơi trò thách đố uống rượu: Gây áp lực cho người tham gia và phải uống quá chén
  • Giữ đủ nước: Uống nước sau mỗi lần uống rượu
  • Không trộn lẫn rượu và thuốc: Không được uống rượu khi đang điều trị thuốc kê toa
  • Ăn trước khi uống rượu
  • Cảnh giác: Tránh uống rượu khi chưa biết nguồn gốc xuất xứ và thành phần
  • Không pha rượu: Không nên pha rượu với nước ngọt, hay bất cứ thứ gì

Khi phát hiện hay nghi ngờ một ai đó bị ngộ độc rượu, bạn hãy thực hiện các bước sơ cấp cứu sau:

  • Gọi cấp cứu 115
  • Gọi người giúp đỡ, kiểm tra tình trạng của nạn nhân
  • Cố gắng giữ nạn nhân tỉnh táo, đặt nạn nhân ở tư thế đầu được kê cao
  • Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy nằm nghiêng trái, tránh khả năng nôn ói bị hít sặc trở lại
  • Nếu còn tỉnh hãy cho nạn nhân uống nước trước
  • Dùng vải sạch hoặc chăn quấn quanh người để giữ ấm
  • Khai báo với nhân viên y tế các triệu chứng ban đầu và số lượng nạn nhân đã uống rượu

PHÒNG CTXH