Viêm mô tế bào vùng hàm mặt

1. Khái niệm


Viêm mô tế bào (Cellulitis) là tình trạng nhiễm trùng lớp mô mềm ở vùng cổ mặt. Bệnh có thể khu trú ở một vùng giải phẫu hoặc tiến triển lan sang các vùng lân cận gây bệnh cảnh nhiễm khuẩn lan tỏa vùng cổ mặt.

2. Triệu chứng


Chia làm ba giai đoạn

Giai đoạn viêm thanh dịch: Đây là giai đoạn khi vi khuẩn vừa xâm nhập đến lớp mô mềm sẽ gây các triệu chứng như:

  • Xuất hiện phù nề nhẹ.
  • Mảng sưng tấy không rõ ràng.
  • Lớp da bên ngoài có thể bình thường hoặc hơi hồng.
  • Khi sờ lên vùng nhiễm trùng thấy mềm không nóng và ít đau.
  • Thường chưa xuất hiện triệu chứng toàn thân ở giai đoạn này.

Giai đoạn viêm tấy: Khi vi khuẩn bắt đầu xâm nhập sâu vào lớp mô tế bào và phát triển sẽ tạo thành nhiều ổ nhiễm trùng khu trú trong lớp mô mềm gây ra các triệu chứng như:

  • Vùng sưng hiện rõ, sưng đỏ.
  • Khối sưng căng cứng có thể sờ được.
  • Gây đau nhiều.
  • Xuất hiện các triệu chứng toàn thân như: Sốt, mệt mỏi, khít hàm….

Giai đoạn viêm lan tỏa: Là giai đoạn nặng nhất của viêm mô tế bào

  • Xảy ra ở các người bệnh có sức đề kháng kém, người mắc các bệnh mạn tính hay do vi khuẩn có độc tính cao. Khối nhiễm trùng lan rộng đến nhiều phần trên vùng mặt, cổ gây biến dạng khuôn mặt.
  • Triệu chứng toàn thân rất nghiêm trọng: Rét run, sốt cao, mất ngủ, mệt mỏi…
  • Khối sưng đỏ, lớn, cứng chắc.
  • Người bệnh có thể bị khít hàm gây mất ăn → gây suy kiệt cho người bệnh.
  • Nếu khối sưng nằm vùng dưới hàm có thể gây bít đường thở dẫn đến tử vong.
  • Người bệnh đau nhiều.

Tùy theo vùng nhiễm trùng mà tiên lượng của người bệnh sẽ khác nhau. Tiên lượng tử vong rất cao nếu không chữa trị kịp thời gây nhiễm trùng toàn thân, sốc nhiễm khuẩn.

3. Tư vấn cách xử trí/ cấp cứu tại chỗ


Các giai đoạn của viêm mô tế bào vùng hàm mặt diễn ra rất nhanh và có thể nguy hiểm đến tính mạng, bệnh nhân thấy sưng đau vùng mặt cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời tránh các biến chứng nặng của bệnh.

4. Biến chứng


Bệnh nhân viêm mô tế bào vùng hàm mặt không được điều trị kịp thời sẽ chuyển sang dạng lan tỏa, gây nhiều biễn chứng nguy hiểm:

  • Áp xe trung thất.
  • Viêm tắc tĩnh mạch xoang hang.
  • Nhiễm trùng huyết.

5. Phương pháp điều trị


Tùy theo tình trạng nhiễm trùng (nhẹ-vừa-nặng) mà các bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Xử lý răng nguyên nhân (nếu có): Mở ống tủy để dẫn lưu mủ; Nhổ răng nguyên nhân nên dùng kháng sinh dự phòng trước 1-2 ngày như: Spiramycin kết hợp với metronidazole để ngừa nhiễm trùng huyết.
  • Rạch dẫn lưu mủ, rạch rộng nhiều tầng, nhiều lớp để các ổ mủ được thoát ra ngoài và bơm rửa ngày 2 lần.
  • Nếu người bệnh bị bít đường thở cần đặt ống thông nội khí quản.
  • Tăng cường sức đề kháng cho người bệnh, bù nước, truyền dịch nếu người bệnh không thể ăn do khít hàm…
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý nền mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp…

6. Tư vấn chăm sóc


 Đa số các trường hợp viêm mô tế bào vùng mặt đều có nguyên nhân do răng vì vậy:

  • Vệ sinh răng miệng tốt.
  • Thay đổi lối sống, thói quen ăn uống để phòng ngừa các bệnh răng miệng.
  • Xử lý các chấn thương răng sớm.
  • Khám răng định kỳ  6 tháng một lần để phát hiện và có biện pháp xử lý sớm các bệnh lý về răng miệng.

Trong trường hợp sưng đau vùng mặt nên đến các cơ sở y tế có phương tiện và trình độ tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh các biện chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và điều trị phù hợp.

Để được tư vấn chi tiết về các gói khám cũng như cách đặt lịch khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, quý khách vui lòng liên hệ số HOTLINE:

  • Đặt lịch đăng kí khám bệnh: 02273.841.730
  • Tư vấn hướng dẫn: 02273.831.101
  • Khoa Răng hàm mặt: 02273.841.736 

PHÒNG CTXH