Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng vận động của con người.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?


Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh tương đối thường gặp trong cộng đồng, có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, song thường mắc nhất là lứa tuổi lao động.

Những người mắc thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và hiệu quả lao động.

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy đến ở nhiều vị trí khác nhau của cột sống (cột sống cổ, lưng, thắt lưng, cùng cụt…), nhưng thắt lưng là hay gặp nhất.

Triệu chứng/ dấu hiệu nhận biết


Một số triệu chứng thoát vị đĩa đệm điển hình bao gồm:

  • Đau cấp tính: Thường xảy ra khi bị chấn thương hoặc khi gắng sức mang vác, bưng bê vật nặng sai tư thế. Người bệnh sẽ bị đau không thể cử động được, thậm chí đi đại, tiểu tiện cũng rất khó khăn trong một thời gian.
  • Đau mạn tính: Sau đợt đau cấp tính, người bệnh mỗi khi thực hiện gắng sức tương tự thì cơn đau lại tái phát. Người bệnh sẽ khó mà thực hiện các động tác liên quan đến cột sống như: cúi, nghiêng, ngửa, xoay người. Khi đã có chèn ép thần kinh, các triệu chứng đau sẽ lan xuống chi dưới làm cho người bệnh vận động chi dưới khó khăn, cơn đau tăng khi đứng, hắt hơi, đi lại, rặn…

Biến chứng


Nếu không được điều trị đúng, sớm thì thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng:

  • Thường gặp nhất là hiện tượng chèn ép dây thần kinh tọa và rễ thần kinh, gây nên đau nhức, buốt vùng mông, lan dọc theo đùi xuống cẳng chân, ngón chân, bàn chân.
  • Hậu quả của biến chứng này nếu không can thiệp kịp thời là gây teo cơ, hạn chế vận động và đại tiểu tiện khó khăn.
  • Nặng nề hơn, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây gây liệt, tàn phế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh cũng như gia đình, xã hội.
  • Phát hiện sớm và điều trị bệnh rất quan trọng để phục hồi chức năng cột sống và vận động bình thường.

Phương pháp điều trị


Chủ yếu điều trị nội khoa: Dùng thuốc uống: giảm đau ,chống viêm, giãn cơ….

Kết hợp các biện pháp: xoa bóp, kéo giãn, song cao tần, YHCT,…

Phong bế rễ thần kinh cạnh cột sống, Tiêm ngoài màng cứng.

Trường hợp nặng không đáp ứng điều trị nội khoa, có thể chỉ định phẫu thuật.

Tư vấn chăm sóc


Trong thời gian điều trị thoát vị đĩa đệm, người bệnh nên:

  • Vận động nhẹ nhàng, tránh mang vác nặng, đặc biệt các động tác phải cúi để mang vác một trọng lượng lớn( khi bắt buộc phải thực hiện cố gắng giữ tư thế thẳng lưng tránh gập lưng), tránh thay đổi tư thế đột ngột.
  • Tránh đứng lâu, ngồi lâu, ở lâu một tư thế cố định. Khi phải đứng lâu, ngồi lâu nên đứng lên đi lạị, tập thể dục nhẹ nhàng giữa giờ.
  • Tránh các chấn thương cho cột sống.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn( yoga, đi bộ, đạp xe, bơi,hít xà đơn,…),
  • Kiểm soát cân nặng hợp lý.
  • Ăn uống dinh dưỡng, bổ sung thức ăn giàu calci: sữa, tôm, cá, ngũ cốc… Hạn chế đồ dầu mỡ, chất kích thích như: rượu bia, thuốc lá…
  • Đeo đai lưng hỗ trợ khi làm việc, đi đường xa.
  • Đi khám ngay nếu thấy các triệu chứng nặng hơn như: tê liệt ở chân, đau tê vùng bàn tọa, khó tiểu hoặc khó đại tiện hoặc bị yếu đột ngột ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, đặc biệt là chân.

Để được tư vấn chi tiết về các gói khám cũng như cách đặt lịch khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, quý khách vui lòng liên hệ số HOTLINE:

  • Đặt lịch đăng kí khám bệnh: 02273.645.270
  • Tư vấn hướng dẫn: 02273.831.102
  • Khoa Thần kinh: 02273.842.596

PHÒNG CTXH