Bệnh sâu răng ở trẻ em

Theo thống kê của viện Răng Hàm Mặt Trung ương, số lượng trẻ em Việt Nam bị sâu răng đang có chiều hướng gia tăng, có đến 80% trẻ từ 4 – 8 tuổi bị sâu răng, có đến 91% các bé chăm sóc răng miệng không đúng cách.

Sâu răng


Là tình trạng tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình huỷ khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng và hình thành các lỗ nhỏ trên răng.

Triệu chứng/dấu hiệu nhận biết


Phân loại sâu răng theo mức độ lỗ sâu:

  • Sâu giới hạn ở men
  • Sâu ngà trong lớp ngà
  • Sâu răng sát tủy

Sâu răng có thể xảy ra ở các vị trí của răng: thân, cổ, chân..

Khi sâu răng mới bắt đầu, người bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng nào (bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt mới có thể phát hiện được).

Khi sâu răng nặng hơn, nó có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Ê buốt khi ăn uống đồ ăn lạnh, nóng, ngọt, chua và hết ê buốt ngay sau đó.
  • Người bệnh có thể nhìn thấy lỗ hổng màu nâu, đen hoặc trắng trên bất kỳ bề mặt nào của răng
Các giai đoạn phát triển của bệnh sâu răng

Bệnh lý sâu răng diễn biến âm thầm nếu không điều trị ngay làm tổn thương sâu răng có thể lan vào đến tủy răng gây viêm tủy, nặng nề hơn có thể gây viêm quanh cuống răng.

Phương pháp điều trị


Điều trị sâu răng là một phức hợp điều trị bao gồm: điều trị dự phòng, điều trị sâu răng sớm; điều trị hàn (trám) phục hồi sâu răng.

Điều trị dự phòng

Điều trị dự phòng là phức hợp điều trị, mục đich để dự phòng việc hình thành lỗ sâu, bao gồm nhiều yếu tố dựa trên đánh giá các yếu tố nguy cơ.

  •  Lấy cao răng định kỳ 06 tháng/lần để loại bỏ mảng bám răng, cao răng trên lợi và dưới lợi.
  • Phát hiện và loại bỏ các yếu tố nguy cơ thuận lợi cho việc tích tụ và hình thảnh mảng bám răng, cao răng gây sâu răng.
  • Trám bít hố rãnh: trám bít dự phòng với các trường hợp hố rãnh phức tạp, nguy cơ sâu răng cao; trám kín về mặt cơ học các hố rãnh bằng các loại resin kháng acid; cản trở sự bám dính của mảng bám và định cư của Streptococcus mutans, các vi khuẩn gây sâu răng khác; lớp sealant làm cho hố rãnh được làm sạch bởi bàn chải và quá trình nhai.

Điều trị sâu răng sớm

Mục đích điều trị sâu răng sớm để tăng tái khoáng tại chỗ, giảm nguy cơ tiến triển từ sâu răng sớm sang sâu răng hình thành lỗ sâu.

Điều trị sâu răng sớm bao gồm các phương pháp sau


Liệu pháp fluor

  •  Kem chải răng chứa fluor: sử dụng kem chải răng chứa fluor ngay từ khi trẻ bắt đầu mọc những răng hàm sữa đầu tiên, nồng độ fluor tăng dần theo tuổi. Khi mọc răng hàm sữa đầu tiên, sử dụng kem có fluor nồng độ 250 ppm, mọc răng hàm sữa thứ hai sử dụng kem có fluor nồng độ 500 ppm, khi trẻ 6 tuổi có thể sử dụng kem chải răng giống người lớn, nồng độ fluor 1000 – 1500 ppm.
  • Súc miệng các dung dịch có fluor: súc miệng hàng tuần hoặc 2 tuần/ lần theo chương trình nha học đường với dung dịch Fluor có nồng độ 0.2% F (900 ppm); súc miệng hàng ngày tại nhà với các đối tượng có nguy cơ sâu răng cao với dung dịch có nồng độ Fluor là 0.05% F (230 ppm).
  • Gel Fluor tại chỗ: APF 1.23% (12.300 ppm fluor tại pH 3.5) bôi lên bề mặt răng tối thiểu 3 phút, với bệnh nhân có nguy cơ sâu răng cao bôi 6 tuần/ lần; bệnh nhân nguy cơ sâu răng thấp bôi 6 – 12 tháng/ lần.
  • Verni fluor: chứa 1.7% NaF có 8 mgF/ ml hoặc chứa 5% NaF có 25 mgF/ ml, sử dụng với bệnh nhân có biểu hiện nhạy cảm.
  • Tăm và chỉ tơ nha khoa chứa Fluor.
  • Kẹo cao su chứa Fluor.
  • Nước bọt nhân tạo chứa Fluor: chỉ định cho bệnh nhân mắc chứng khô miệng do bệnh lý, dùng thuốc hoặc tia xạ.
  • Tác nhân tái khoáng khác: các sản phẩm có chứa các thành phần bicarbonate, ion Canxi, phosphat như GC Tooth mousse plus…

Trám bít hố rãnh

  • Trám bít dự phòng.
  • Trám bít điều trị: thực hiện khi có hiện tượng sâu men hố rãnh

Điều trị phục hồi thân răng

  • Hàn (trám) phục hồi (vĩnh viễn)
  • Hàn phục hồi là bước cuối cùng trong quá trình điều trị sâu răng, tủy vị trí lỗ sâu, yêu cầu chịu lực nhai, yêu cầu thẩm mỹ có thể lựa chọn các loại vật liệu hàn khác nhau.

Nguyên tắc hàn vĩnh viễn

  • Lấy bỏ toàn bộ các tổn thương ngà nhiễm khuẩn
  • Chất hàn phải bám dính và lưu giữ tốt với các mô răng còn lại
  • Có khả năng bảo vệ mô răng còn lại khỏi các kích thích hóa học
  • Phòng sâu răng tái phát
  • Có khả năng hỗ trợ tái khoáng cho mô răng quanh chất hàn
  • Bền dưới lực nhai sinh lý
  • Phù hợp về thẩm mỹ

Phương pháp thực hiện

  • Hàn phục hồi răng bằng các vật liệu hàn: Amalgam, GIC, composite,…
  • Phục hình răng khi tổn thương phá hủy lớn không phục hồi được bằng phương pháp hàn răng: pin ngà, inlay, onlay composite, sứ hoặc kim loại, chụp răng

Là phương pháp điều trị lấy bỏ toàn bộ các cấu trúc răng bị phá hủy không phục hồi và mô răng nhiễm khuẩn, sau đó sử dụng các vật liệu hàn (trám) có sẵn để làm ngừng tiến triển của bệnh. Các răng sau khi được hàn (trám) sẽ được kiểm soát và theo dõi, đánh giá trước khi được hàn (trám) vĩnh viễn.

Chỉ định

  • Sâu răng cấp tính trên nhiều ngà răng, ngà mềm, lỗ sâu lan rộng ít nhất ½ chiều dày của ngà răng
  • Các tổn thương sâu răng lớn có thể bất lợi cho sức khỏe của tủy răng
  • Các tổn thương sâu răng lớn có nghi ngờ bệnh lý tủy răng

Phòng ngừa bệnh sâu răng


  • Thăm khám răng miệng định kỳ 06 tháng/lần, bác sĩ sẽ phát hiện sớm và xử trí các vấn đề bệnh lý, tránh biến chứng.
  • Lấy cao răng định kỳ 06 tháng/lần.
  • Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách: chải răng xoay tròn với bàn chải lông mềm và kem chải răng ít nhất 2 lần/ngày, buổi sáng sau ăn sáng và buổi tối trước khi ngủ;
  • Chế độ ăn uống hợp lý: hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, không ăn vặt thường xuyên; tăng chế độ ăn chứa nhiều phosphate; đối tượng trẻ nhỏ hạn chế bú bình kéo dài với sữa và các loại chất ngọt, nhất là bú trong khi ngủ.

Để được tư vấn chi tiết về các gói khám cũng như cách đặt lịch khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, quý khách vui lòng liên hệ số HOTLINE:

  • Đặt lịch đăng kí khám bệnh: 02273.841.730
  • Tư vấn hướng dẫn: 02273.831.102
  • Khoa Răng hàm mặt: 02273.841.736

PHÒNG CTXH