Đau thần kinh tọa là bệnh phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 30 – 50. Cơn đau có thể diễn ra âm ỉ hay cấp tính và tăng dần khi người bệnh gắng sức, thay đổi tư thế hoặc ho, hắt hơi. Nếu không được điều trị tận gốc, đau thần kinh tọa có thể làm người bệnh bị suy giảm các chức năng vận động một cách nghiêm trọng.
1. Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa là cảm giác đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau xuất phát từ cột sống thắt lưng, lan ra mặt ngoài đùi, mặt trước cẳng chân, mắt cá ngoài đến tận các ngón chân. Tùy theo vị trí tổn thương mà hướng lan của các cơn đau có thể khác nhau, gây ra viêm, đau và thường bị tê ở chân.
2. Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân chính gây đau thần kinh kinh tọa (chiếm 80% các trường hợp). Theo đó, khi đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường, dây thần kinh tọa sẽ bị chèn ép dẫn tới cảm giác đau buốt. Điều này cũng xảy ra tương tự với những người bị gai cột sống hoặc có khối u hoặc nang nằm trên cột sống.
Các yếu tố nguy cơ:
- Tuổi tác: Hầu hết những người bị đau thần kinh tọa ở độ tuổi từ 30 đến 50.
- Trọng lượng: Tăng cân có thể gây áp lực lên cột sống của bạn, điều này có nghĩa là bạn dễ bị đau thần kinh tọa khi mang thai hoặc bị thừa cân béo phì.
- Bệnh tiểu đường: Bệnh này có thể gây tổn thương thần kinh, từ đó gây ra đau thần kinh tọa.
- Tính chất công việc khiến bạn phải khiêng nhấc vật nặng thường xuyên hoặc ngồi lâu ở một tư thế cũng có thể làm tổn thương đĩa đệm và gây ra đau thần kinh tọa.
3. Dấu hiệu nhận biết đau thần kinh tọa
Dấu hiệu đặc biệt nhất của đau thần kinh tọa bao gồm:
- Đau thắt lưng, lan dọc xuống chân theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc đau âm ỉ, tăng lên khi người bệnh vận động quá sức, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi.
- Ngoài triệu chứng đau thần kinh tọa, người bệnh có thể kèm theo cảm giác tê nóng, đau rát bỏng hoặc kiến bò ở các khu vực bị đau.
4. Biến chứng của đau thần kinh tọa
Mặc dù hầu hết người bệnh đau thần kinh toạ có thể phục hồi hoàn toàn, nhưng nếu không được điều trị dứt điểm thì đau thần kinh toạ có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Và đây là một số dấu hiệu biến chứng của đau thần kinh tọa cần được khám và điều trị sớm: Mất cảm giác ở chân, yếu cơ chân, mất chức năng ruột hoặc bàng quang.
5. Phương pháp xử trí và điều trị hiệu quả
5.1. Điều trị không dùng thuốc:
- Chế độ nghỉ ngơi: Nằm giường cứng, tránh các động tác mạnh đột ngột, tránh mang vác nặng, đứng, ngồi quá lâu
- Vật lý trị liệu: Chiếu đèn hồng ngoại, thể dục trị liệu, kéo giãn cột sống thắt lưng, treo người bằng xà đơn, bơi, đeo đai lưng hỗ trợ nhằm tránh quá tải trên đĩa đệm cột sống
- Xoa bóp bấm huyệt, châm cứu,…
5.2. Điều trị dùng thuốc:
Giảm đau, chống viêm, giãn cơ, vitamin nhóm B …
5.3. Điều trị ngoại khoa:
Chỉ định khi điều trị nội khoa thất bại hoặc những trường hợp có chèn ép nặng (hội chứng đuôi ngựa, hẹp ống sống, liệt chi dưới…), teo cơ. Tùy theo tình trạng thoát vị, trượt đốt sống hoặc u chèn ép cũng như điều kiện kỹ thuật cho phép mà sử dụng các phương pháp phẫu thuật khác nhau (nội soi, sóng cao tần, vi phẫu hoặc mổ hở, làm vững cột sống).
6. Chăm sóc người bệnh đau thần kinh tọa
Việc thực hiện các biện pháp giúp phòng tránh bệnh thần kinh tọa không thể giúp loại trừ 100% khả năng mắc bệnh, nhưng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Thường xuyên áp dụng các biện pháp sau sẽ giúp giảm khả năng bị đau thần kinh tọa:
- Luyện tập thể dục nhẹ nhàng như bơi lội, yoga, đạp xe…
- Đeo đai lưng hỗ trợ khi làm việc, đi đường xa.
- Hạn chế mang vác nặng, thay đổi tư thế đột ngột. Giữ tư thế thẳng cột sống khi ngồi lâu, lái xe.
- Ăn uống dinh dưỡng, bổ sung thức ăn giàu calci: sữa, tôm, cá, ngũ cốc…
- Hạn chế đồ dầu mỡ, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
Để được tư vấn chi tiết về các gói khám cũng như cách đặt lịch khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, quý khách vui lòng liên hệ số HOTLINE:
- Đặt lịch đăng kí khám bệnh: 02273.645.270
- Tư vấn, hướng dẫn: 02273.831.102
PHÒNG CTXH