Bệnh viêm tụy cấp

     Viêm tụy cấp là quá trình viêm cấp tính của tụy với các tổn thương viêm thay đổi ở mô tụy và hoặc các cơ quan xa. Quá trình viêm của tụy và các mô tụy là do hiện tượng hoạt hóa men tụy ngay trong mô tụy đặc biệt là mem trypsin.

1. Nguyên nhân

  • Tổn thương cơ giới, viêm nhiễm ở ống mật: Sỏi mật, sỏi tụy, u gây chèn ép đường tụy, viêm bóng Vater, bệnh sỏi tụy
  • Các bệnh nhiễm khuẩn ổ bụng: Viêm túi mật, viêm ruột thừa, thương hàn, leptospirose, virus (quai bị, viêm gan virus), giun đũa.
  • Do rượu, hay gặp ở các nước: Âu, Mỹ.
  • Một số thuốc: Cocticoid, lợi tiểu, ức chế miễn dịch ( 6MP ), thuốc chống thụ thai, các thuốc tiêm chủng.
  • Chuyển hoá và nội tiết: Cường tuyến cận giáp, tăng can xi huyết, tăng mỡ máu béo phì, đái đường, xõ vữa động mạch, là yếu tố thuận lợi.

2. Triệu chứng của viêm tụy cấp

  • Sốt: thường có sốt nhẹ, có thể sốt cao vì viêm nhiễm đường mật do sỏi, giun hoặc do hoại tử tụy rộng.
  • Đau thượng vị khởi phát đột ngột ,đau dữ dội, từng cơn lan ra sau lưng và mạn sườn trái.
  • Buồn nôn, nôn, bụng chướng hơi, bí trung đại tiện.
  • Khó thở do đau, do tràn dịch màng bụng, màng phổi.
  • Triệu chứng kèm theo: Rối loạn ý thức, huyết áp tụt, thiểu niệu,…

Ngoài ra, viêm tụy cấp có những biến chứng nguy hiểm khác như: Hạ huyết áp/sốc/suy đa tạng; Xuất huyết; Nhiễm trùng tại tuyến tụy; Suy hô hấp cấp; Nang giả tụy;…

3. Tư vấn cách xử trí/cấp cứu tại chỗ

  • Đặt bệnh nhân nằm ở trên giường theo tư thế đầu ngang, không đặt trong tư thế đầu cao hơn thân người vì trong trường hợp huyết áp tụt thấp, não sẽ không đủ máu có thể dẫn đến hôn mê.
  • Khi bệnh nhân nôn, để bệnh nhân nôn, không nên giữ ngực, giữ cổ để chống lại. Nôn trong trường hợp này có tác dụng làm giảm tải bớt áp lực dạ dày, giúp bệnh nhân giảm đau. Ngoài ra, nó còn làm giảm lượng thức ăn trong dạ dày, tá tràng, giảm sự kích thích sản sinh thêm men tụy trong cơn đau.
  • Không cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, kể cả nước đường, nước sữa hay uống thuốc. Vì thức ăn chính là tác nhân kích thích tụy tiết ra enzym mạnh. Nhịn ăn, nhịn uống là biện pháp tốt nhất trong trường hợp lên cơn viêm tụy cấp đột ngột.
  • Không xoa bụng, đè tay lên bụng hay đặt bất cứ vật gì trên bụng bệnh nhân để tránh kích thích vào tụy gây xuất huyết tụy, nguy cơ tử vong sẽ cao hơn.
  • Để cho người bệnh tự tìm thấy tư thế giảm đau.
  • Sau đó, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

4. Phương pháp điều trị

  • Bù dịch điện giải và dinh dưỡng: Bồi phụ nước và điện giải, đảm bảo nhu cầu năng lượng của người bệnh, truyền tĩnh mạch trong 1-2 ngày đầu, đảm bảo lượng calo, đường, đạm lúc đầu 30calo/kg/ngày và tăng dần lên 50-60calo/kg/ngày, sau đó chuyển dần sang nuôi ăn qua đường miệng theo trình tự: nước đường, cháo đường, cơm nhão rồi cơm bình thường,chú ý kiêng sữa, mỡ, béo.
  • Kiểm soát đau: Giảm đau có thể sử dụng các thuốc giảm đau, giảm co thắt tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch (Buscopan). Thuốc chống đau: Dolargan, Meperidin (tiêm bắp).
  • Can thiệp ngoại khoa: Điều trị ngoại khoa khi có biến chứng như xuất huyết, viêm phúc mạc, áp xe tuỵ, ổ tụ dịch hoại tử,bệnh đường mật kết hợp chỉ định can thiệp ngoại khoa để giải toả, dẫn lưu đường mật.
  • Theo dõi và phát hiện các biến chứng:

               + Điều trị biến chứng như hỗ trợ hô hấp, lọc máu, dẫn lưu ổ dịch qua da

               + Chống nhiễm trùng: dùng kháng sinh phổ rộng, kết hợp diệt vi khuẩn Gram (-), Gram (+) và khuẩn kỵ khí

5. Tư vấn chăm sóc khi ra viện

  • Lao động, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo lắng.
  • Không nên uống rượu, bia nhiều, không nên dùng các chất kích thích.
  • Nên hạn chế ăn mỡ và protein và chia bữa ăn ra thành nhiều bữa khác nhau. Đối với những bệnh nhân bị đái tháo đường thì nên hạn chế ăn đường… Nên bổ sung vitamin tan trong dầu A,K,D,E, săt, vitamin B12, acid Folic…U
  • Uống nhiều nước, thường xuyên tập thể dục.
  • Ăn chín uống sôi, tẩy giun định kỳ.
  • Dinh dưỡng hợp lý về số lượng và chất lượng bữa ăn.
  • Dùng thuốc theo đơn của bác sỹ. Uống thuốc đúng giờ, đúng hàm lượng

PHÒNG CTXH