Tết cổ truyền cũng chính là dịp mọi người trở về nhà sum họp, hỏi thăm nhau sau một năm dài xa nhà. Tuy nhiên, việc tụ tập đông người, ăn uống, vui chơi cũng dễ xảy ra những tai nạn không đáng có. Vì vậy, để có những phút giây trọn vẹn trong dịp Tết, cần bỏ túi những bí quyết để phòng chống và xử lý một số rủi ro nhỏ nếu chẳng may xảy ra.
1. Khi bị ngộ độc thực phẩm cần làm gì?
Trong các dịp lễ tết, việc sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn hoặc không được bảo quản đúng cách sẽ khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố hoặc bị biến chất. Khi ăn phải những thực phẩm này, cơ thể của chúng ta sẽ bị ngộ độc. Đây cũng là mối lo ngại của nhiều người trong mỗi dịp lễ tết.
Các biểu hiện khi cơ thể bị ngộ độc thực phẩm bao gồm: buồn nôn, nôn nhiều lần hay nôn liên tục, đau bụng, tiêu chảy, tiêu ra máu, sốt. Dấu hiệu mất nước bao gồm mệt mỏi, khát nước, khô miệng, co rút cơ, chóng mặt, lú lẫn, nước tiểu vàng sậm, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ. Ở giai đoạn nặng, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và biểu hiện bằng các dấu hiệu báo động như tiêu phân lỏng trên 6 lần ngày, đi tiêu ra máu, ói ra máu, sốt trên 38,5 độ không giảm sau 24 giờ, đau bụng dữ dội…
Ngay khi có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, bạn nên bù đủ dịch sớm (nhất là ở người già và trẻ em) bằng uống dung dịch có chất điện giải, ăn thức ăn lỏng, nhẹ và ít chất béo. Khi các dấu hiệu mất nước hay dấu hiệu tăng lên đến mức báo động, bạn phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo, nên lựa chọn thực phẩm tươi sống và đã được kiểm định an toàn vệ sinh. Đối với các loại thức ăn đã được chế biến sẵn, nên chọn mua những nơi có uy tín, đáng tin cậy, hợp vệ sinh và còn thời hạn sử dụng. Bên cạnh đó, bạn nên bảo quản thực phẩm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, các loại thịt, cá, hải sản cần phải được bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh. Cần nấu chín thức ăn với nhiệt độ thích hợp, các thức ăn như rau sống cần phải rửa thật kỹ nhiều lần trước khi ăn. Nên sử dụng thức ăn trong vòng 2 giờ, tốt nhất là ăn ngay khi còn nóng, nếu để quá 2 giờ thì cần bảo quản lạnh và hâm lại trước khi ăn. Loại bỏ các thức ăn dư thừa bởi đây là nguyên nhân thường gặp nhất của ngộ độc thức ăn. Bên cạnh đó, nên rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
2. Sơ cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông thế nào cho đúng?
Tại khoa Cấp cứu – BVĐK tỉnh Thái Bình, các trường hợp nhập viện vì tai nạn thương tích trong dịp lễ tết tăng khoảng 10 – 15% so với ngày thường, chủ yếu là tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt. Trong số đó, các trường hợp tai nạn giao thông có liên quan đến bia, rượu chiếm đến 70%. Các bệnh nhân khi nhập viện hầu hết ở tình trạng đa chấn thương: chấn thương sọ não, chấn thương các chi, chấn thương bụng, chấn thương ngực….
Trên thực tế, đa số người dân khi gặp nạn nhân bị tai nạn giao thông hoặc thương tích trên đường đều không nắm được các kỹ năng sơ cứu cơ bản để trợ giúp hoặc không dám vào sơ cứu vì sợ làm nặng thêm tổn thương. Điều này rất đáng tiếc vì có thể làm giảm cơ hội cứu chữa cho bệnh nhân.
Một số kỹ năng cơ bản và cần thiết khi hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn giao thông:
- Bước 1: Nhanh chóng gọi người hỗ trợ, nên gọi 115 để có sự trợ giúp chuyên nghiệp.
- Bước 2: Xem nạn nhân có bị ngừng tim chưa (gọi hỏi không biết, ngừng thở hoặc thở ngáp, mạch cổ không đập). Nếu có ngừng tim cần để nạn nhân nằm ngửa nhẹ nhàng, duỗi thẳng chân tay, tránh gập cổ…rồi ép tim ngay, đặt 2 tay chồng lên nhau giữa ngực nạn nhân và ép thật mạnh, thật nhanh, thả tay để ngực nở tối đa sau mỗi lần ép tim. Ép tim liên tục không nghỉ, sau 2 phút có người thay. Ép cho đến khi tim đập lại (tỉnh ra, thở được, có mạch cổ đập) hoặc cho đến khi nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp đến.
Lưu ý chỉ di chuyển nạn nhân bị ngừng tim vào bệnh viện khi tim đã đập lại. Nếu nạn nhân vẫn tỉnh, hoặc lơ mơ, vẫn tự thở thì sang bước 3.
- Bước 3: Đặt nạn nhân nằm nghiêng an toàn, nằm nghiêng một bên, 2 tay duỗi, một chân vắt chéo sang bên đối diện.
- Bước 4: Cố định cột sống cổ, yêu cầu cột sống cố phải thẳng với trục cơ thể. Có thể dùng 2 bao cát hay 2 viên gạch chèn 2 bên tai khi bệnh nhân nằm.
- Bước 5: Tìm các vết thương chảy máu để cầm máu, bằng cách băng ép bằng quần áo, dây. Với nạn nhân chảy máu ở đầu, người cứu phải quấn băng quanh đầu để cầm máu, nhưng vẫn phải luôn giữ đầu cố định.
- Bước 6: Cố định các vết thương gãy xương như xương đùi, xương cẳng tay bằng nẹp, giúp giảm đau cho nạn nhân.
Đặc biệt lưu ý: Trong suốt quá trình sơ cứu, phải bảo vệ cột sống cổ của bệnh nhân khi di chuyển bằng cách một người đỡ đầu để thẳng trục với thân, một người xốc nách từ sau, một người đỡ hai chân cả 3 người cùng lùi cùng tiến. Để đầu, cột sống cổ luôn thẳng trục với thân mình.
Để phòng tránh tai nạn giao thông trong dịp tết, bạn nên giữ sức khỏe, tránh vui chơi quá mức, không uống rượu bia khi lái xe, đội nón bảo hiểm đúng tiêu chuẩn khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi đi xe ô tô, đi bộ đúng phần đường qui định, chú ý quan sát khi băng qua đường. Nên tuân thủ đúng luật giao thông, đừng vì nhanh một phút mà chậm cả đời.
PHÒNG CTXH
- Gặp mặt Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2023)
- Thư mời chào giá cung cấp một số hàng hoá, trang phục BHLĐ trang cấp cho CBCNV Bệnh viện năm 2023
- Thư mời chào giá vật tư y tế cung cấp cho Nhà thuốc Bệnh viện năm 2023
- Huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ Bệnh viện năm 2023
- Bản tin hoạt động tháng 5/2023