Chế độ Bảo hiểm xã hội người lao động có thể được hưởng khi mắc Covid -19

Khi người lao động bị mắc Covid-19 có thể được hưởng các chế độ ốm đau; Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau; Chế độ bệnh nghề nghiệp khi đủ các điều kiện theo quy định.

1. Chế độ ốm đau

– Về điều kiện hưởng: Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 người lao động (NLĐ) bị ốm đau phải nghỉ việc hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Chế độ này được áp dụng để chi trả cho NLĐ bị mắc Covid-19 phải nghỉ việc.

– Về hồ sơ hưởng: Thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH năm 2014; Khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế; hướng dẫn của Bộ Y tế tại các Công văn số 1492/KCB-PHCN&GĐ ngày 19/11/2021, số 238/BYTKCB ngày 14/01/2022 gồm:

+ Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao);

+ Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Theo Khoản 13, Điều 1, Thông tư số 18/2022/TT-BYT của Bộ Y tế sửa đổi Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định về cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người nhiễm Covid-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

+ Người bệnh sau khi kết thúc điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Thông tư số 18/2022/TT-BYT. Trường hợp giấy đã cấp trước ngày Thông tư số 18/2022/TT-BYT có hiệu lực (ngày 15/02/2023) không đúng mẫu theo quy định Thông tư số 56/2017/TT-BYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại theo quy định tại Thông tư này.

+ Trường hợp người lao động đã điều trị COVID-19 nhưng chưa được cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người lao động đã điều trị COVID-19 căn cứ đề nghị của người lao động và hồ sơ bệnh án để cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

+ Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong giấy ra viện có ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú hoặc thời gian cách ly thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian ghi trong giấy ra viện;

+ Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong giấy ra viện không ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú nhưng người bệnh phải cách ly theo quy định thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian cách ly quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư số 18/2022/TT-BYT;

+ Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 đã giải thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao phụ trách quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo quy định chịu trách nhiệm cấp hoặc cấp lại hoặc cấp mới giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh;

– Về mức hưởng: Trong thời gian nghỉ việc do ốm đau người lao động được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

2. Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau

– Theo quy định tại Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.

– Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe: Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật, 05 ngày đối với các trường hợp khác.

– Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

3. Chế độ bệnh nghề nghiệp

Theo Thông tư số 02/2023/TT-BYT ngày 9/02/2023 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 01/4/2023 đã bổ sung “bệnh COVID-19 nghề nghiệp” vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.’

Theo Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp: Người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây

  1.  Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
  2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp.

Theo Thông tư số 02/2023/TT-BYT ngày 9/02/2023 của Bộ Y tế, những người làm nghề, công việc quy định tại Mục 3, Phụ lục số 35 ban hành kèm theo Thông tư này được chẩn đoán xác định mắc bệnh COVID-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ ngày 01/02/2020 đến trước ngày Thông tư số 02/2023/TT-BYT có hiệu lực (ngày 01/4/2023) thì được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định hiện hành.

Tham khảo thông tin thêm tại:

QH 2014.11.20 58 Luật Bảo Hiểm Xã Hội.

BYT 2017.12.29 56 Quy định Chi Tiết Thi Hành Luật BHXXH Và Luật ATVSLĐ Thuộc Lĩnh Vực Y Tế

BYT 2022.12.31 18 Sửa đổi, Bổ Sung 1 Số điều Của TT Số 56 2017 TT BYT Quy định Chi Tiết Thi Hành Luật BHXH Và Luật ATVSLĐ Thuộc Lĩnh Vực Y Tế

BYT 2023.02.02.09 Sửa đổi, Bổ Sung Một Số điều Của Thông Tư Số 15.2016 Của BYT Quy định Về Bệnh Nghề Nghiệp được Hưởng BHXH

Cong Van 1492 Kcb Phcngd Cuc Quan Ly Kham Chua Benh

Cong Van 238 Byt Kcb 2022 Ho So De Nghi Giai Quyet Huong Che Do Bhxh Doi Voi Nld Dieu Tri Covid 19

PHÒNG CTXH

Bài viết cùng chủ đề: