Tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Trước sự chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã triển khai giám sát, phát hiện bệnh Marburg và quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống một số bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người như: Dịch cúm gia cầm A/H5N1, Nhiễm liên cầu lợn, Bệnh dại…

Trong đó, Marburg là bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm Việt Nam. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Cụ thể, Khoa Khám bệnh và Khoa Cấp cứu:

  • Đối với bệnh Marburg: Sàng lọc các trường hợp có triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết và điều tra dịch tễ, đặc biệt lưu ý người mới nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực Châu Phi trong vòng 21 ngày.
  • Đối với các bệnh truyền nhiễm còn lại: Sàng lọc các trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm bệnh, khai thác tiền sử dịch tễ; đặc biệt lưu ý người làm nghề chăn nuôi, giết mổ, tiếp xúc, vận chuyển, buôn bán động vật, sống/đi về từ vùng đang có dịch hoặc người ăn/uống thực phẩm sống, chưa nấu chín như tiết canh,…
  • Thực hiện cách ly ngay người bệnh nếu có dấu hiệu nghi ngờ, kịp thời thông báo ngay cho Khoa Truyền nhiễm, phòng Kế hoạch tổng hợp để có phương án khoanh vùng phù hợp.
  • Thực hiện các biện pháp phòng tránh cho nhân viên y tế: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, lau bề mặt tiếp xúc.

Khoa Truyền nhiễm:

  • Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, vật tư y tế… sẵn sàng thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân.
  • Cập nhật phác đồ điều trị theo đúng quy định của Bộ Y tế, sẵn sàng tập huấn cho tuyến dưới về nội dung chăm sóc, cách ly và điều trị bệnh.
  • Thực hiện báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Cục Y tế dự phòng.

Các khoa, phòng, trung tâm trong Bệnh viện phối hợp thực hiện; đồng thời tăng cường truyền thông, tuyên truyền cho nhân viên y tế và người bệnh, người nhà người bệnh để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

PHÒNG CTXH

Bài viết cùng chủ đề: