Cấp cứu chuyên nghiệp – Bắt kịp sự sống

Năm 2023, Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp nhận trên 48 nghìn lượt bệnh nhân, cứu sống nhiều trường hợp nặng, diễn biến phức tạp.

Khoa cấp cứu hiện có 43 cán bộ, trong đó có 13 bác sĩ và 30 điều dưỡng. Khoa có nhiều chức năng nhiệm vụ, trong đó có các chức năng nhiệm vụ rất quan trọng như: tiếp nhận và điều trị mọi trường hợp người bệnh cấp cứu được chuyển tới bệnh viện, tham gia cấp cứu ngoài viện và trong tình huống xảy ra thảm họa, thiên tai khi có yêu cầu. Chỉ tính riêng năm 2023, khoa đã tiếp nhận trên 9.400 ca tai nạn, ngộ độc; 7300 ca có triệu chứng bất thường; trên 20 nghìn ca bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, hô hấp, thần kinh, tuần hoàn và hàng chục nghìn ca bệnh khác. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, mở rộng, trang thiết bị được đầu tư đã góp phần nâng cao chất lượng công tác cấp cứu. BSCKI. Nguyễn Văn Ngọc, Phó trưởng Khoa cấp cứu cho biết: Khoa được tạo điều kiện thuận lợi mặt bằng ở khu vực tầng 1, Nhà A ngay gần cổng viện nên việc tiếp nhận ban đầu cấp cứu là rất thuận lợi. Sau đó là khoa được mở rộng thêm các phòng, đặc biệt là phòng cấp cứu lưu, có thể lưu bệnh nhân chưa rõ chẩn đoán hoặc tiếp nhận những ca bệnh nặng nhưng chưa đủ điều kiện để chuyển các khoa an toàn. Khoa cũng được đầu tự thêm về máy móc, trang thiết bị phục vụ cho cấp cứu nên năm 2023 Khoa hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch về cả chuyên môn và tài chính.

Khu vực khoa cấp cứu hiện nay

Tại Khoa cấp cứu, bệnh nhân nặng, nguy kịch được tiếp cận ngay khi vào viện. Bệnh nhân bệnh phức tạp, liên quan đến nhiều chuyên khoa được tổ chức hội chẩn giữa các chuyên khoa ngay tại Khoa. Tất cả đều mang tính cấp bách, chỉ trong thời gian ngắn các bác sĩ phải đánh giá nhanh và đưa ra quyết định với lượng thông tin hạn chế về ca bệnh, tiến hành song song nhiều quy trình điều trị, cấp cứu kịp thời để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân. Chia sẻ về một ca bệnh thể hiện rõ nét dấu ấn về sự chủ động, nhanh nhạy, kịp thời của y bác sĩ khoa cấp cứu, BSCKI. Nguyễn Văn Ngọc nhớ lại:  Khoa cấp cứu thường tiếp nhận rất nhiều ca bệnh rất phức tạp, đặc biệt là những ca tai nạn thương tích từ ngoài đường đưa vào. Trong đó có trường hợp, một nam thanh niên tầm 20 tuổi bị tai nạn giao thông được xe 115 đưa vào mà không có người nhà. Lãnh đạo khoa và nhân viên đã thay người nhà chăm sóc người bệnh, đưa đi chụp chiếu và nắm bắt kết quả. Sau khi có kết quả thì bệnh nhân phải mổ cấp cứu. Chúng tôi đã đưa ra hội chẩn với các chuyên khoa, khi mà người nhà chưa có mặt nhưng người bệnh cần phải xử lý ngay, không thể trì hoãn được nên chúng tôi đã hội chẩn với lãnh đạo bệnh viện và đưa ra quyết định mổ cấp cứu ngay trong đêm. Ngày hôm sau bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và có khả năng nhận biết mọi thứ. Nếu bệnh nhân không được xử lý nhanh thì sẽ để lại rất nhiều di chứng cho người bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ về sau.

Với cường độ làm việc căng thẳng cả ngày và đêm, nhiều thời điểm lượng bệnh nhân tăng cao đột biến dẫn đến tình trạng quá tải, tạo áp lực không nhỏ lên đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng của khoa. Chia sẻ về những thời điểm căng thẳng trong công việc, bác sĩ Ngọc cho biết: Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm làm cấp cứu, khoa cũng đã nắm bắt được chủ trương, kế hoạch, đã đưa ra những biện pháp tăng cường công tác cấp cứu cho người bệnh; đặc biệt trong thời gian nghỉ lễ dài ngày hoặc ngoài giờ hành chính. Trung bình thì ngày bình thường tiếp nhận từ 100 – 120 bệnh nhân, trong những đợt nghỉ lễ dài ngày, có thể tiếp nhận từ 150 – 200 bệnh nhân. Lãnh đạo khoa đã có biện pháp sắp xếp nhân lực phù hợp để giảm tải áp lực cho cán bộ, nhân viên của khoa và nâng cao chất lượng cấp cứu người bệnh trong những dịp nghỉ lễ.

Nhiều thời điểm lượng bệnh nhân tăng cao đột biến

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, áp lực, tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ tối đa từ phía lãnh đạo bệnh viện trong việc cung cấp các trang thiết bị y tế hiện đại; sự phối hợp rất tốt từ các khoa/phòng/trung tâm trong toàn viện, và đặc biệt là sự nỗ lực , tận tâm, sự năng động và đầy nhiệt huyết của toàn bộ cán bộ, nhân viên Khoa cấp cứu đã hoàn thành tốt sứ mệnh, nhiệm vụ được giao. Các trường hợp tai nạn thương tích có các chấn thương như: vỡ tạng, CTSN, chấn thương ngực, đa chấn thương,…được phát hiện, cấp cứu tích cực tại chỗ, hội chẩn các chuyên khoa liên quan và chuyển phẫu thuật kịp thời. Tỉ lệ cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công được cải thiện, đơn cử, trong quý 1, tỷ lệ này chỉ đạt 25,6% (10/39) thì quý 4 là 73,4% (36/49), tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.

Các nhân viên y tế tại khoa Cấp cứu tích cực điều trị cho bệnh nhân

Các thành viên trong khoa luôn có thái độ nghiêm túc trong việc “Thay đổi tư duy- Đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng người bệnh”; luôn thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, kỹ năng giao tiếp với người bệnh và người nhà người bênh. Tập thể khoa luôn đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và trong cuộc sống; tích cực học tập, trau dồi kinh nghiệm và nghiên cứu khoa học.

Bước sang năm 2024, Khoa cấp cứu tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế về chuyên môn, nhân lực. Tăng cường công tác quản lý; thắt chặt đoàn kết nội bộ; chú trọng đào tạo nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ, viên chức, người lao động. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong khám, chữa bệnh. Nâng cao tác phong làm việc, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh.

 Đặc biệt, năm 2024, khoa cấp cứu xây dựng kế hoạch, lộ trình để triển khai hoạt động của đơn vị đột quỵ trực thuộc khoa, triển khai các kỹ thuật mới, chuyên sâu hồi sức cấp cứu và chống độc như thăm dò huyết động, sử dụng thuốc tiêu huyết khối, lọc máu liên tục, kiểm soát thân nhiệt ….vào phục vụ công tác cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh Sớm hoàn thiện hệ thống oxy, khí nén và hút trung tâm. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, hoàn thiện đề án thành lập trung tâm cấp cứu và đột quỵ để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt./.

PHÒNG CTXH

Bài viết cùng chủ đề: