Hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết năm 2023 (15/6): Không có lăng quăng, không muỗi, không Sốt xuất huyết

1. Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính nguy hiểm do muỗi vằn (Aedes aegypti) truyền, hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

  • Muỗi vằn là thủ phạm lây truyền bệnh, thường để trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch như: chum vại, bể chứa nước mưa; các đồ vật chức nước trong gia đình như: bình hoa, cây cảnh…; các đồ vật phế thải như: lốp xe hỏng, vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ, vỏ gáo dừa, các vũng nước đọng, các hốc chứa nước tự nhiên… là những vật dụng xung quanh mỗi chúng ta.
  • Trứng muỗi phát triển thành bọ gậy (lăng quăng) rồi thành muỗi trưởng thành trong vòng từ 7 – 10 ngày. Do đó, hoạt động diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) cần tiến hành hàng tuần.
  • Bệnh sốt xuất huyết có thể gây thành dịch lớn và tỷ lệ tử vong cao.

2. Các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, cần “chủ động phát hiện và loại bỏ ngay nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết”. Ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

  • Loại bỏ các vật phế thải xung quanh nhà để ngăn chặn sự phát triển của muỗi
  • Định kỳ hàng tuần chà rửa và thay nước mới lọ hoa, chậu cây thủy sinh, xô, thùng
  • Định kỳ chà rửa đĩa lót đáy chậu cây sau 5 đến 7 ngày
  • Thả cá diệt lăng quăng đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt
  • Bỏ muối vào các khu vực đọng nước mà không thể dọn dẹp
  • Dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối tránh bị tắc gây đọng nước
  • Định kỳ chà rửa và thay nước mới máng nước uống vật nuôi sau 5 đến 7 ngày
  • Đậy kín các vật chứa nước ngoài trời, không để tạo thành chỗ trũng

Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh như: Sốt cao đột ngột, liên tục; Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; Da xung huyết; Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt và có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị chỉ chuyển tuyến khi có chỉ định của thầy thuốc. Chủ động phát hiện và loại bỏ ngay nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Không có lăng quăng, không muỗi, không Sốt xuất huyết!

PHÒNG CTXH