6 cách tránh ngạt khói trong đám cháy

     Có ít nhất 33 người tử vong trong vụ cháy quán karaoke tại phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, vậy kỹ năng nào để kéo dài thời gian sinh tồn trong khi chờ lực lượng cứu hộ và cứu nạn.

     Ngạt khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn do hít phải nhiều khí độc CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ… trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong. Khí CO và CO2 là hai loại khí độc, đều không mùi, không màu, không vị nhưng hấp thu nhanh trong cơ thể. Khí này ngăn chặn quá trình vận chuyển oxy vào máu, ngăn cản sự chuyển hóa hô hấp của tế bào, đặc biệt các tế bào có chế độ chuyển hóa hô hấp mạnh như não, tim… Khi hít phải quá nhiều loại khí này, nạn nhân có thể bị ngộ độc cấp tính. Ngoài ra, các loại khí này cũng khiến cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy, do đó nạn nhân chết trong các vụ cháy phần nhiều là do cố gắng vùng vẫy trong cơn hoảng loạn, làm cho ngộ độc ập đến nhanh chóng.

     Các triệu chứng khi bị ngạt khói?

     Các triệu chứng khi hít phải khói sẽ khác nhau, tùy theo mức độ nghiêm trọng của ngộ độc.

     Điều quan trọng là phải chăm sóc y tế cho nạn nhân, nếu mức độ carboxyhaemoglobin (hợp chất được hình thành khi carbon monoxide và hemoglobin tương tác trong máu) vượt quá 15%. Khi mức độ từ 15 – 20%, nạn nhân có thể bị đau đầu và lú lẫn. Ở mức 20 – 40%, nạn nhân có thể mất phương hướng, mệt mỏi, buồn nôn và gặp các vấn đề về thị lực.

     Những nạn nhân có nồng độ carboxyhaemoglobin từ 40 – 60% có thể xảy ra ảo giác và hôn mê. Mức carboxyhaemoglobin trên 60% sẽ dẫn đến tử vong.

     Cần làm gì để phòng tránh ngạt khói?

     Trong trường hợp bị mắc kẹt, một số phương pháp có thể sẽ giúp chúng ta ngăn chặn hậu quả. Để ngăn ngừa nguy cơ tổn thương phổi và ngộ độc khói.

  1. Phản ứng ngay khi cảm thấy nguy hiểm. Tìm các lối ra.
  2. Tìm một lối thoát thay vì trốn trong phòng.
  3. Hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay và đầu gối. Do khói và khí bốc lên trên, nên bạn sẽ ít hít thở chúng hơn nếu ở gần mặt đất.
  4. Lấy một mảnh vải hoặc một vật dụng lớn, làm ẩm và để nó gần mũi, miệng. Nước sẽ lọc khí độc, ngăn không cho bạn hít phải.
  5. Trong trường hợp bị mắc kẹt trong phòng, hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào. Bịt khoảng trống xung quanh khung cửa và quạt thông gió bằng vải ướt hoặc băng dính.
  6. Nếu quần áo bị bắt lửa, hãy nằm và lăn người cho đến khi dập được lửa.

     Bên cạnh đó khi hít phải khói chúng ta không nên chủ quan mà cần đi khám vì có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến viêm phổi. Đặc biệt khi có biểu hiện ho, khó thở nhẹ, khạc ra đờm màu đen như bồ hóng, nhức đầu, buồn nôn, thở nhanh, mạch nhanh, thì phải đến viện ngay để tránh những biến chứng có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng.

NGUỒN CTXH