“Tìm lại nụ cười” cho bệnh nhân bị khe hở môi, vòm miệng (sứt môi hở hàm ếch)

     Khe hở môi, khe hở vòm miệng hay còn gọi là sứt môi, hở hàm ếch là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Ở nước ta mỗi năm có khoảng 2.000 – 3.000 trẻ sinh ra bị khe hở môi – vòm miệng. Với hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu năng lực chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã triển khai phẫu thuật điều trị khe hở môi, vòm miệng cho trẻ em, người trưởng thành chưa được phẫu thuật do không có điều kiện phẫu thuật sớm hoặc những trẻ, những người trưởng thành đã được phẫu thuật nhưng chưa đạt yêu cầu về thẩm mỹ và chức năng.

Bệnh dị tật khe hở môi, vòm miệng

     Khe hở môi, khe hở vòm miệng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ làm thay đổi cấu trúc giải phẫu, hình thể thẩm mỹ của mặt, gây ra những rối loạn chức năng về ăn uống, hô hấp, phát âm của trẻ, đồng thời tác động nặng nề đến tâm lý của bệnh nhi và gia đình. Tùy vào mức độ khe hở rộng hay hẹp, hoàn toàn hay không hoàn toàn mà một em bé bị sứt môi – hở vòm miệng sẽ bị các ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt do khe hở làm biến dạng môi, mũi, xương ổ răng, xương hàm, xô lệch răng, sai khớp cắn. Từ đó gây xáo trộn tâm lý đứa trẻ, xuất hiện những cảm xúc tiêu cực như tự ti, mặc cảm, hận đời, bỏ học,…

Dị tật hở hàm ếch

Các nguyên nhân gây bệnh dị tật khe hở môi, vòm miệng:

  • Di truyền
  • Tuổi của người mẹ khi mang thai: có con quá sớm hoặc quá muộn (< 16 tuổi, > 35 tuổi)
  • Nhiễm trùng: mẹ mang thai 3 tháng đầu bị nhiễm virus, nhiễm khuẩn.
  • Các tác nhân lý hóa:

+ Nhiễm xạ trước và trong mang thai, chiếu tia X.

+ Nhiễm chất độc hóa học: trong công nghiệp, nông nghiệp (chất độc màu da cam, thuốc trừ sâu…), các thuốc chữa bệnh.

  • Chế độ dinh dưỡng: một số người có thai hay bị nôn, ăn uống kém trong 2 – 3 tháng đầu dẫn đến thiếu chất, không nhận đủ các vitamin, đặc biệt là axit folic.
  • Sang chấn tâm lý, stress lớn tác động đến thai phụ.

Phẫu thuật điều trị khe hở môi, vòm miệng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình

     Các chuyên gia khuyến cáo: Khi bị khe hở môi cần đi khám chuyên khoa để được chăm sóc và điều trị càng sớm càng tốt. Phẫu thuật thành công sẽ giúp người bệnh thoát khỏi những khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, mang lại sự tự tin, hàn gắn những tổn thương về thể chất và tinh thần.

     Tuổi phẫu thuật tốt cho trẻ bị sứt môi (khe hở môi) là khi trẻ được 3 tháng trở lên và cân nặng khoảng 6kg. Trẻ bị khe hở hàm ếch thì tùy theo dị tật hở toàn bộ hay chỉ hở một phần có thể mổ khi trẻ được từ 16 tháng tuổi trở lên và cân nặng khoảng 7kg trở lên. Không nên để trẻ quá lớn mới đi phẫu thuật vì ảnh hưởng nhiều đến việc bú, ăn uống và tập nói. Nếu vì lý do nào đó mà trẻ không đủ số cân nặng khi đã đủ tháng tuổi để phẫu thuật thì cũng không nên quá muộn. Cụ thể, trẻ bị khe hở môi không nên để quá 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, có một số trường hợp có thể phẫu thuật trước thời gian nói trên do bác sĩ khám và chỉ định phẫu thuật sớm.

     Tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, với hệ thống trang máy móc thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên giàu chuyên môn, khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã triển khai thành công kỹ thuật điều trị khe hở môi, vòm miệng: Phẫu thuật điều trị khe hở môi một bên; Phẫu thuật điều trị khe hở vòm miệng toàn bộ…

Phẫu thuật được thực hiện trên các đối tượng:

  • Trẻ em
  • Người trưởng thành chưa được phẫu thuật do không có điều kiện phẫu thuật
  • Trẻ em, những người trưởng thành đã được phẫu thuật nhưng chưa đạt yêu cầu về thẩm mỹ và chức năng

Điều trị bệnh khe hở môi, vòm miệng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, người bệnh sẽ được thăm khám, sàng lọc kĩ đồng thời được tư vấn phương pháp phẫu thuật, điều trị phù hợp cho từng độ tuổi và giai đoạn của bệnh. Người dân có nhu cầu sàng lọc và điều trị bệnh khe hở môi, vòm miệng hãy đến Phòng khám Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để được bác sĩ thăm khám và tư vấn trực tiếp.

Thông tin chi tiết xin liên hệ: Phòng khám Răng Hàm Mặt (B.101 – Khoa Khám bệnh) – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình số điện thoại 02273.841.736 hoặc tổng đài tư vấn 02273.831.102

PHÒNG CTXH

Bài viết cùng chủ đề: