Hưởng ứng Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2025: “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong bệnh viện – Một yếu tố quan trọng bảo vệ sức khỏe cộng đồng”

      Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2025 với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, là dịp để nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong môi trường bệnh viện. Đặc biệt, an toàn thực phẩm trong bếp ăn bệnh viện, dịch vụ ăn uống cho người bệnh và người nhà bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

  1. MỐI NGUY HẠI TỪ THỰC PHẨM KHÔNG AN TOÀN TRONG BỆNH VIỆN

Mỗi năm, hàng triệu người trên thế giới bị ngộ độc thực phẩm, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và nền kinh tế. Trong môi trường bệnh viện, thực phẩm không an toàn có thể là nguyên nhân gây ra ngộ độc hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh lý của người bệnh, kéo dài thời gian hồi phục. Do đó, việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong bếp ăn bệnh viện và dịch vụ ăn uống cho bệnh nhân là yếu tố thiết yếu trong công tác chăm sóc sức khỏe.

  1. CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN ĐỂ BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG BỆNH VIỆN

Để thực phẩm luôn an toàn trong bệnh viện, bảo vệ sức khỏe cho người bệnh và nhân viên y tế, cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:

            2.1. Vệ sinh tay sạch sẽ

Trước khi chế biến hoặc ăn uống, việc rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là điều cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào thực phẩm. Nhân viên y tế, các nhân viên phục vụ bệnh viện, người bệnh và người nhà cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch để ngăn ngừa vi khuẩn và mầm bệnh.

Hình 1. Quy trình rửa tay thường quy của Bộ Y tế

            2.2. Bảo quản thực phẩm đúng cách

Trong môi trường bệnh viện, việc bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ và độ ẩm thích hợp là rất quan trọng. Thực phẩm cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, tránh để thực phẩm bị ôi thiu, hư hỏng hay lây nhiễm chéo từ những thực phẩm khác. Một số nguyên tắc quan trọng khi bảo quản thực phẩm:

            2.2.1. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh

  • Ngăn đông (-18°C đến -25°C): Dùng để bảo quản thực phẩm lâu dài như thịt, cá, hải sản, thực phẩm chế biến sẵn, đá viên.
  • Ngăn mát (0°C đến 4°C): Phù hợp để bảo quản thực phẩm tươi sống trong thời gian ngắn, sữa, trứng, rau củ và thực phẩm đã chế biến.
  • Ngăn rau củ (4°C đến 8°C): Dùng để bảo quản các loại rau xanh, trái cây, tránh bị úng nước và hư hỏng nhanh.

Lưu ý:

  • Không để thực phẩm chín và sống chung để tránh nhiễm khuẩn chéo.
  • Đậy kín thực phẩm bằng hộp hoặc túi zip để tránh mất nước và ám mùi.
  • Không chất quá đầy tủ lạnh, để không khí lưu thông tốt.

       2.2.2. Bảo quản thực phẩm khô

  • Gạo, bột, đậu, mì: Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc.
  • Đồ hộp: Để ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Nếu đã mở hộp, nên bảo quản trong hộp kín trong tủ lạnh.
  • Gia vị (muối, đường, tiêu…): Giữ trong hộp kín, tránh không khí và côn trùng.

       2.2.3. Bảo quản rau củ và trái cây

  • Rau xanh: Gói bằng khăn giấy hoặc túi nilon đục lỗ rồi để trong ngăn mát.
  • Trái cây: Một số loại như táo, lê có thể để ngoài, nhưng dâu, nho, cam nên để trong tủ lạnh.
  • Không rửa rau củ trước khi cho vào tủ lạnh để tránh ẩm mốc nhanh.

      2.2.4. Bảo quản thực phẩm đã chế biến

  • Nên để nguội trước khi cho vào tủ lạnh.
  • Đựng trong hộp kín để tránh vi khuẩn và ám mùi.
  • Không để thức ăn quá 3 ngày, nếu có dấu hiệu ôi thiu thì bỏ ngay.

       2.2.5. Chế biến thực phẩm sạch sẽ: Trong quá trình chế biến, cần vệ sinh dụng cụ, bếp và khu vực làm việc thường xuyên. Đồng thời, đảm bảo nấu nướng thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp để tiêu diệt các mầm bệnh có thể có.

        2.3. Kiểm tra nguồn gốc thực phẩm: Mua thực phẩm từ các nguồn đáng tin cậy, có chứng nhận về an toàn thực phẩm để tránh mua phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc chứa hóa chất độc hại.

Hình 2. Một số biện pháp đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể, căng tin, bữa tiệc

  1. CÔNG TÁC GIÁM SÁT AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG BỆNH VIỆN

Bệnh viện đã triển khai các kế hoạch và hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người bệnh và nhân viên y tế. Khoa Dinh dưỡng với chức năng: Quản lý thực phẩm, chế biến, cung cấp chế độ dinh dưỡng bệnh lý cho người bệnh tại giường bệnh; trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm trong bệnh viện. Trong 3 tháng đầu năm 2025, bệnh viện không ghi nhận bất kỳ vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Quy trình giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm đã được xây dựng và thực hiện chặt chẽ tại bệnh viện, từ việc kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu vào đến khi thực phẩm được chế biến và cung cấp cho bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện cũng thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định để đảm bảo có thể truy cứu khi cần thiết. Bên cạnh đó, việc kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu cũng được tiến hành bằng cách sử dụng test thuốc trừ sâu của nhà thầu cung cấp. Trong quý đầu năm 2025, Khoa Dinh dưỡng đã kiểm tra 91 mẫu rau/củ và tất cả đều đạt tiêu chuẩn không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, 100% mẫu thức ăn được xét nghiệm vi sinh đạt yêu cầu.

Trong tháng này, bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giám sát an toàn thực phẩm, thực hiện vệ sinh bề mặt các vật dụng như bàn ăn, bàn chế biến, tường và trần nhà thường xuyên, đồng thời cải thiện hệ thống thông khí, đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

  1. HÀNH ĐỘNG VÌ AN TOÀN THỰC PHẨM – VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG TRONG BỆNH VIỆN

Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2025 không chỉ là cơ hội để các cơ sở y tế và nhân viên bệnh viện nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm, mà còn là lời kêu gọi mạnh mẽ tới người bệnh và người nhà người bệnh tham gia vào công cuộc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hãy cùng chung tay góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tạo ra môi trường bệnh viện an toàn, lành mạnh.

PHÒNG CTXH

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *