Hen phế quản là một bệnh viêm đường hô hấp mạn tính, được khởi phát bởi các yếu tố kích thích (thường là tác nhân dị ứng). Hen phế quản không lây lan từ người này sang người khác. Bệnh liên quan đến cơ địa của bệnh nhân cũng như có tính chất di truyền. Việc kiểm soát hen tốt sẽ giúp người bệnh giảm cơn hen phế quản cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hen phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Hen phế quản là bệnh gì? Hen phế quản (dân gian còn gọi là hen suyễn), là một bệnh lý đường hô hấp được đặc trưng bởi tình trạng viêm đường dẫn khí mạn tính. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, phế quản của người bệnh vốn rất nhạy cảm sẽ phản ứng một cách dữ dội, biểu hiện bởi các triệu chứng như khó thở, khò khè, nặng ngực và ho. Tùy vào mức độ kích thích các tiểu phế quản và tùy vào cơ địa của từng bệnh nhân mà cơn hen phế quản biểu hiện ở mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Bệnh hen phế quản thường không thể chữa khỏi, nhưng triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát bởi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Có nhiều tác nhân khởi phát cơn hen phế quản:
Các tác nhân di ứng: Là nguyên nhân thường gặp nhất
- Dị nguyên đường hô hấp: thường là bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá, các con bọ sống trong chăn nệm… Cũng có thể là những chất trong công nghiệp như: bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn…
- Dị nguyên thực phẩm: các loại hải sản (tôm, cua, cá, sò..), trứng, thịt gà, lạc…
- Thuốc: một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen như aspirin, penicillin,…
- Tác nhân nhiễm khuẩn: các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan… là một trong những nguyên nhân gây ra cơn hen ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng
Các tác nhân không dị ứng:
- Di truyền: trong gia đình có người bị hen phế quản
- Yếu tố tâm lý: tình trạng lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý,…
- Rối loạn tình dục
Triệu chứng hen phế quản:
Các cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây khởi phát, bệnh nhân khó thở nhiều khi thở ra, phải ngồi dậy để thở. Có thể nghe thấy tiếng thở rít hay khò khè. Ngoài ra, bệnh nhân có thể ho, khạc đờm kèm theo. Đôi khi thấy hình ảnh lồng ngực biến dạng.
Chẩn đoán bệnh Hen phế quản:
- Các triệu chứng lâm sàng: bệnh nhân thường vào viện vì các triệu chứng của một cơn hen phế quản cấp.
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ căn cứ vào lý do vào viện của bệnh nhân cùng các triệu chứng khai thác được, từ đó định hướng chẩn đoán và tiến hành khám lâm sàng. Việc này không chỉ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh mà còn giúp loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm đường hô hấp,…
- Đo chức năng hô hấp: Bệnh nhân sẽ được làm Hô hấp kí, đo lưu lượng đỉnh trước và sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản. Nếu chức năng phổi cải thiện sau khi dùng thuốc giãn phế quản thì bệnh nhân có khả năng cao bị hen phế quản.
- Chẩn đoán hình ảnh: X-Quang ngực hay CT Scan có thể cho những hình ảnh bất thường trong bệnh hen phế quản.
- Một số xét nghiệm khác: Xét nghiệm Methacholin, xét nghiệm NO, xét nghiệm bạch cầu ưa acid trong đàm,… có thể hữu ích trong một số trường hợp.
Các biện pháp điều trị bệnh Hen phế quản:
Bệnh hen phế quản khó có thể khỏi hoàn toàn; tuy nhiên, nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị thì hen có thể được kiểm soát. Việc phối hợp giữa biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc là cần thiết để có thể ngăn chặn được những cơn hen phế quản cấ
Nội khoa
- Thuốc kiểm soát hen phế quản dài hạn: Coticosteroid dạng hít, thuốc kích thích beta tác dụng kéo dài, thuốc đường hít kết hợp, Leukotrien, Theophylin,… Đây là biện pháp chính trong điều trị hen phế quản, giúp kiểm soát hen hàng ngày và hạn chế xuất hiện cơn hen cấp.
- Thuốc cắt cơn tác dụng nhanh: có thể sử dụng thuốc kích thích beta tác dụng ngắn, Coticosteroid đường uống/tiêm tĩnh mạch hoặc Ipratropium,… để cải thiện các triệu chứng của cơn hen phế quản cấp ngay lập tức.
- Điều trị dị ứng có thể được đặt ra ở bệnh nhân hen phế quản dị ứng.
- Lối sống
- Tập thể dục đều đặn, vừa phải.
- Ăn uống hợp lý, bổ sung trái cây và rau xanh.
- Phòng tránh các yếu tố dễ gây khởi phát cơn hen như: tránh tiếp xúc khói bụi, thường xuyên vệ sinh nhà ở sạch sẽ …
Sự lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể tùy thuộc vào tuổi, triệu chứng, yếu tố khởi phát và các yếu tố kiểm soát bệnh. Bệnh nhân cần được theo dõi và tái khám, để bác sĩ có thể đánh giá mức độ kiểm soát hen trên bệnh nhân, từ đó có những điều chỉnh phù hợp về kế hoạch điều trị trong thời gian tiếp theo.
Ngày hen toàn cầu 2023 – Chăm sóc bệnh hen cho mọi người
Ngày Hen toàn cầu (WAD) được tổ chức vào Thứ Ba đầu tiên của Tháng Năm hằng năm. Đây là một sự kiện nâng cao nhận thức về bệnh hẹn và tầm quan trọng trong việc kiểm soát bệnh hen trên toàn cầu; được hỗ trợ bởi Tổ chức Chiến lược toàn cầu về Hen (GINA) và Viện Tim phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ (NHLB), cũng như Quỹ Hen Thế giới.
Năm 2023, GINA đã chọn “Chăm sóc bệnh hen cho mọi người” làm chủ đề cho Ngày hen toàn cầu. Phần lớn gánh nặng bệnh tật và tử vong do hen xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
GINA cố gắng giảm bớt gánh nặng này bằng cách khuyến khích các nhà lãnh đạo chăm sóc sức khỏe tiếp cận với các loại thuốc hiệu quả, đảm bảo chất lượng.
Thông điệp Chăm sóc bệnh hen cho mọi người thúc đẩy sự phát triển và thực hiện các chương trình quản lý bệnh hen hiệu quả.
GINA đặt mục tiêu tăng cường và củng cố mối liên kết với các địa phương và quốc gia. GINA cũng cam kết đảm bảo các khuyến nghị cụ thể về tính bền vững của môi trường bằng cách chia sẻ mối quan tâm về sức khỏe hành tinh với ưu tiên cao là an toàn cho bệnh nhân.
GINA đang làm việc để cải thiện cuộc sống của những người mắc bệnh hen trên toàn cầu và sự hợp tác nhiều mặt để cải thiện mọi khía cạnh của việc chăm sóc bệnh hen, cho bệnh nhân và cho môi trường là rất quan trọng.
PHÒNG CTXH
- Ngộ độc paraquat – Những điều cần biết
- Bệnh vô sinh ở nam giới có chữa được không?
- Dinh dưỡng cho người bệnh tai biến mạch máu não
- Hưởng ứng ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10/10 “Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc”
- Khai giảng lớp đào tạo liên tục “Kỹ thuật chụp phim cắt lớp vi tính cơ bản”.