Cảnh báo: Nguy hại từ việc tự ý tiêm thuốc giảm đau lưng không rõ nguồn gốc

Tự ý tiêm thuốc tại cơ sở không uy tín, không đảm bảo chuyên môn y tế để chữa đau lưng, bệnh nhân bị sưng đau vùng lưng, không thể vận động được. Đây là một trong số các trường hợp biến chứng sau tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vô trùng đã được khoa Phẫu thuật thần kinh – Cột sống tiếp nhận điều trị trong thời gian gần đây.

Ông V.Đ.T (1964, Thụy Liên – Thái Thụy) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình trong tình trạng vùng lưng sưng nóng, đỏ, ấn rất đau kèm nóng, sốt, hạn chế vận động nặng, phải cần đến sự giúp đỡ của người nhà.

Bệnh nhân cho biết: bệnh nhân bị đau lưng đã nhiều năm nay. Sau khi đến khám tại một phòng khám tư, bệnh nhân được tiêm một loại thuốc không rõ nguồn gốc. Cứ sau khoảng 4 – 5 tháng sau tiêm, cơn đau lại tái phát, bệnh nhân lại tiếp tục đến tiêm. Thời gian gần đây, sau khi tiêm 2 mũi, phần lưng chỗ tiêm bị sưng đỏ, đau nhức. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để tiếp tục điều trị. Sau khi thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cơ bản, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe cơ thắt lưng sau tiêm.

Tại khoa Phẫu thuật thần kinh – cột sống, bệnh nhân đến viện ở giai đoạn viêm tấy lan tỏa khắp vùng thắt lưng: bệnh nhân được dùng kháng sinh, chống viêm, giảm phù nề. Sau đó tổ chức viêm đã được khu trú tạo thành ổ áp xe vùng cơ thắt. Lúc này bệnh nhân được chỉ định mổ rạch rộng toàn bộ ổ áp xe, cắt lọc tổ chức hoại tử, nạo viêm, làm kháng sinh đồ. Sau khi phẫu thuật bệnh nhân tiếp tục dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ, giảm đau, chống viêm và thay băng, cắt lọc giả mạc hàng ngày.

Phẫu thuật rạch rộng toàn bộ ổ áp xe, cắt lọc tổ chức hoại tử, nạo viêm

Sau điều trị, tình trạng đau nhức vùng lưng và sưng nóng đỏ của bệnh nhân đã cải thiện rõ.

Bác sĩ cho biết: một ổ áp xe nếu bị nhiễm trùng không được điều trị có thể lây lan nhiễm trùng vào máu và các hạch bạch huyết, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng. Nhiễm trùng không được điều trị cũng có thể dẫn đến hoại tử mô. Thời gian điều trị áp xe thường kéo dài.

Bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nếu điều trị không đúng cách, có thể làm cho tình trạng nặng lên, thậm chí gây tàn phế suốt đời. Việc tự ý tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn y tế có thể làm tăng các yếu tố nguy cơ gây các biến chứng nặng nề, gây nhiễm trùng. Vì vậy, người dân khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh như đau lưng, giảm khả năng vận động…cần tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.

PHÒNG CTXH