Suy tĩnh mạch chi dưới và phương pháp điều trị bằng sóng cao tần

Cảm giác nhức mỏi, tê bì, phù chân, chuột rút, loét chân… của bệnh suy tĩnh mạch chân giờ đây đã được điều trị dứt điểm nhờ can thiệp nội tĩnh mạch bằng sóng cao tần mà Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện thường quy cho người bệnh ngay tại tỉnh nhà.

1. Bệnh suy giãn tĩnh mạch là gì?

Suy tĩnh mạch mạn tính là tình trạng các tĩnh mạch giảm khả năng dẫn máu trở về tim do suy chức năng các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và/hoặc tĩnh mạch sâu.

Đây là bệnh lý khá thường gặp chiếm tới trên 30% người trưởng thành. Bệnh thường tiến triển chậm, tăng dần theo thời gian, không được chú ý quá nhiều nhưng khi ở giai đoạn muộn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và công việc hàng ngày. Đặc biệt, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ có khá nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm khả năng lao động.

2. Nguyên nhân và một số yếu tố nguy cơ

– Nguyên nhân nguyên phát: bất thường về giải phẫu van tĩnh mạch, dị dạng tĩnh mạch

– Nguyên nhân thứ phát: sau huyết khối tĩnh mạch

– Các yếu tố nguy cơ thường gặp:

  • Tuổi cao, giới nữ
  • Thừa cân, béo phì
  • Sinh đẻ nhiều lần, tăng cân nhiều khi mang thai
  • Người ít vận động, nghề nghiệp phải đứng lâu hoặc ngồi lâu
  • Yếu tố gia đình: Di truyền
  • Dùng Hormon kéo dài: Thuốc tránh thai

3. Các dấu hiệu nhận biết suy tĩnh mạch

Đa số bệnh nhân không biết bị suy tĩnh mạch mà thường đến khám vì lý do thẩm mỹ (thấy búi giãn tĩnh mạch) hoặc nhầm với các bệnh lý về cơ xương khớp với các triệu chứng như sau:

  • Đau, tức, nặng chi dưới: ở cẳng chân, thường xuất hiện vào cuối ngày làm việc, trước kỳ kinh nguyệt, khi thời tiết nóng bức hoặc sau khi phải đứng bất động kéo dài, giảm khi gác cao chân.
  • Cảm giác khó chịu, bứt rứt: ở chi dưới khi bất động lâu, buộc họ phải đứng dậy hoặc di chuyển. Đây là một trong những dấu hiệu của “hội chứng đôi chân không nghỉ”.
  • Chuột rút về đêm.
  • Phù chi dưới: thường phù quanh mắt cá chân, gặp khi đứng lâu, ngồi lâu
  • Giãn mao mạch, tĩnh mạch nông dưới da: mạng nhện, mạng lưới hoặc thành búi
  • Giai đoạn muộn: biến đổi sắc tố da, loét, hoại tử, tắc tĩnh mạch, tắc mạch phổi

4. Phân độ suy tĩnh mạch chi dưới trên lâm sàng: CEAP

Độ 0: chưa có biểu hiện bệnh lý tĩnh mạch thấy được hay sờ được.

Độ 1: có mao mạch giãn hoặc lưới tĩnh mạch giãn với đường kính < 3mm.

Độ 2: giãn tĩnh mạch với đường kính > 3mm.

Độ 3: phù chi dưới nhưng chưa biến đổi trên da.

Độ 4: loạn dưỡng da gây biến đổi sắc tố da, chàm tĩnh mạch, xơ mỡ da, …

Độ 5: biến đổi sắc tố da kèm vết loét đã lành.

Độ 6: biến đổi sắc tố da kèm vết loét đang tiến triển, không lành

Các cấp độ suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, để chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bác sĩ sẽ thăm khám và thực hiện siêu âm doppler mạch máu với máy siêu âm thế hệ mới; đây là phương pháp động trong thời gian thực có thể phân tích hướng di chuyển của dòng máu, đo được thời gian máu chảy ngược dòng nhằm chẩn đoán, khảo sát ở tư thế đứng nên phù hợp với sinh lý bệnh của suy giãn tĩnh mạch.

5. Điều trị suy giãn tĩnh mạch

– Các phương pháp điều trị chung:

+ Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Tránh tăng cân, giảm chất béo, tăng cường chất xơ, tránh tình trạng táo bón.

+ Tránh thuốc lá và rượu

+ Thay đổi lối sống như tránh đứng lâu, ngồi bất động lâu, khi nằm ngủ gác chân lên cao, tránh mặc quần áo bó chặt gây cản trở lưu thông dòng máu bình thường trong tĩnh mạch. Hạn chế sử dụng giày cao gót.

+ Chơi thể thao tạo thuận lợi cho sự trở về của tĩnh mạch như đi xe đạp, bơi lội, đi bộ thường xuyên.

+ Tránh tiếp xúc thường xuyên với nhiệt độ cao (xông hơi, tắm nóng, phơi nắng…). Tốt hơn hết là tắm vòi hoa sen và kết thúc bằng xịt nước lạnh vào chân từ bàn chân lên đùi.

– Băng ép, tất áp lực: quan trọng làm tăng hiệu quả điều trị.

– Sử dụng các thuốc hỗ trợ TM: daflon, Vitamin C…

– Các phương pháp ngoại khoa và can thiệp

Được dùng khi điều trị nội khoa không kết quả. Tùy thuộc vào từng bệnh nhân mà các bác sỹ sẽ có các phương pháp điều trị riêng, cần thăm khám và đánh giá kỹ trước khi thực hiện các phương pháp này.

+ Can thiệp:

  • Điều trị suy tĩnh mạch mạn tính bằng sóng có tần số Radio
  • Điều trị suy tĩnh mạch mạn tính bằng laser nội mạch
  • Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng bơm keo sinh học

+ Ngoại khoa:

  • Lấy bỏ thân tĩnh mạch hiển (phẫu thuật Stripping)
  • Thắt cắt các tĩnh mạch xuyên (phẫu thuật Phlébectomie)
  • Bóc búi giãn tĩnh mạch (thủ thuật Muller)

6. Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần tại BVĐK tỉnh Thái Bình

Với tình hình ngày một gia tăng tỷ lệ bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, Trung tâm Tim mạch – BVĐK tỉnh Thái Bình đã triển khai kĩ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng sóng cao tần trong nhiều năm qua. Phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội do khắc phục hiệu quả những hạn chế của phương pháp truyền thống: tỷ lệ thành công rất cao, điều trị triệt để được tĩnh mạch bị suy, an toàn, ít tai biến và có tính thẩm mỹ cao. Bệnh nhân được can thiệp bằng ống thông qua da nên không để lại sẹo, người bệnh có thể đứng dậy được ngay sau khi làm can thiệp và có thể xuất viện ngay sau 2 ngày.

Một số hình ảnh điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới tại Trung tâm tim mạch – BVĐK tỉnh Thái Bình:

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

  • Phòng Khám Nội tim mạch, B202, nhà B, Khoa Khám Bệnh, BVĐK tỉnh Thái Bình
  • Hoặc số điện thoại 02273.831.102 để được tư vấn, hướng dẫn

Chương trình TƯ VẤN SỨC KHỎE TRỰC TUYẾN chủ đề “Suy tĩnh mạch chi dưới – Các biện pháp dự phòng và điều trị” với sự tham gia của BSCKII. Vũ Thị Diện – PGĐ Trung tâm Tim mạch, BVĐK tỉnh Thái Bình:

PHÒNG CTXH

Bài viết cùng chủ đề: