Hiện nay, hóa trị được coi là một trong những liệu pháp điều trị ung thư phổ biến nhất và đem lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh. Để hiểu hơn về phương pháp điều trị bệnh ung thư này, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
1. Hoá trị là gì?
Hóa trị (hay điều trị bằng hóa chất) là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các loại thuốc để phá hủy tế bào ung thư. Tuy nhiên như các biện pháp điều trị ung thư khác, thường có tác dụng không mong muốn xảy ra sau hóa trị.
Các phản ứng này khác nhau với mỗi người, dựa trên loại ung thư mắc phải, vị trí, loại thuốc, liều dùng, và tình hình sức khỏe chung của bệnh nhân.
2. Một số phản ứng không mong muốn thường gặp
- Mệt mỏi
- Rụng tóc
- Đau đớn: đau đầu, đau nhức cơ, đau dạ dày, đau do tổn thương thần kinh
- Đau miệng, đau họng
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Buồn nôn, nôn
- Rối loạn tạo máu
- Ảnh hưởng hệ thần kinh: ù tai, rát bỏng, tê bì tay chân, yếu hoặc đau nhức cơ, mất thăng bằng, run rẩy, cứng cổ hoặc đau đầu, bất thường về nghe nhìn hoặc bước đi, có cảm giác lóng ngóng
- Giảm sút trí nhớ và khả năng nhận thức
- Các vấn đề về tình dục và khả năng sinh sản
- Mất cảm giác ngon miệng
- Các vấn đề về tim mạch: suy tim, bệnh mạch vành, viêm màng ngoài tim …
3. Phương pháp điều trị
3.1 Điều trị thiếu máu
Nếu bạn cảm thấy cơ thể yếu, dễ mệt, chóng mặt, lạnh và khó thở, bạn cần thông báo cho bác sĩ hoặc điều dưỡng đang điều trị và chăm sóc cho bạn để được kiểm tra và xử trí thích hợp.
3.2 Giảm nguy cơ nhiễm trùng
Trong thời gian này, bạn cần:
- Thường xuyên rửa tay.
- Hạn chế tiếp xúc với người đang có các bệnh nhiễm trùng.
- Theo dõi nhiệt độ cơ thể trong giai đoạn tế bào máu giảm thấp nhất. Điều này có thể giúp phát hiện tình trạng nhiễm trùng ngay khi mới bắt đầu.
3.3 Đề phòng tình trạng máu
Khi tiểu cầu giảm, cơ thể sẽ khó tạo cục máu đông nếu có vết thương. Vì vậy, bạn cần chú ý:
- Tránh sử dụng các dụng cụ nhọn hay sắc bén (dao, kéo…)
- Nên dùng máy cạo râu thay vì dùng lưỡi dao cạo
- Hạn chế tham gia các môn thể thao hoặc các hoạt động có thể gây ra vết bầm da
BẠN NÊN ĐI BỆNH VIỆN NGAY LẬP TỨC KHI:
- Có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng như: sốt từ 38°C trở lên, đổ mồ hôi hoặc lạnh run, ho, đau họng hoặc đau.
- Đau ngực hoặc khó thở.
- Chảy máu không cầm được.
- Nôn hoặc tiêu chảy kéo dài
4. Tư vấn chăm sóc với một số phản ứng không mong muốn của liệu pháp hóa trị
4.1 Đối với các tác dụng ngoại ý trên đường tiêu hóa
Hóa trị cũng ảnh hưởng đến các tế bào niêm mạc đường tiêu hóa gây đau miệng, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Những điều sau đây có thể giúp bạn hạn chế tác động của hóa trị cũng như cảm thấy dễ chịu hơn với các tác dụng ngoại ý này:
- Chăm sóc răng miệng sau mỗi bữa ăn với bàn chải răng mềm, súc miệng với nước muối pha loãng. Không sử dụng các loại nước súc miệng chứa cồn.
- Chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày. Nên ăn chậm và không dùng thức ăn nóng hay lạnh. Dùng thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ.
- Để tránh táo bón, nên chọn món ăn giàu chất xơ như rau, trái cây và gạo lứt.
- Khi có tiêu chảy, nên uống nhiều nước và nên chọn loại thức ăn dễ tiêu.
4.2 Đối với tác dụng ngoại ý trên da và tóc
Để làm giảm các triệu chứng trên da và tóc, bạn cần:
- Sử dụng kem chống nắng với SPF từ 15 trở lên
- Cắt tóc ngắn
- Sử dụng tóc giả, đội nón hoặc dùng khăn choàng
4.3 Đối với hội chứng bàn tay bàn chân
Nên:
- Dùng túi chườm mát lòng bàn tay, bàn chân
- Dùng khăn mềm để lau tay
- Sử dụng các loại kem tạo độ ẩm cho tay/chân
- Mang giày/dép thông thoáng và không quá chặt
Không nên:
- Tiếp xúc lâu với nước nóng, ánh nắng mặt trời
- Các hoạt động tạo áp lực lên tay/chân với thời gian dài như đi bộ nhiều, sử dụng các dụng cụ cần dùng sức…
- Tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa
Với mong muốn các bệnh nhân ung thư có cơ hội được tiếp cận với những phương pháp điều trị mới, kỹ thuật tiên tiến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình trang bị hệ thống máy móc hiện đại trong chẩn đoán và tầm soát nhiều bệnh lý, quy tụ đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị ung thư,… nhằm tăng hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và gia đình.
Để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia tại Bệnh viện, quý khách vui lòng liên hệ số HOTLINE: 02273.645.270 hoặc 02273.831.102.
PHÒNG CTXH