Những tai biến thường gặp do tự điều trị bệnh xương khớp

Bệnh đau nhức xương khớp, loãng xương là bệnh phổ biến của người cao tuổi. Căn bệnh này thường gây đau nhức dai dẳng, tuy nhiên, không ít người do ngại đi bệnh viện thăm khám mà tự ý điều trị theo các đơn thuốc truyền miệng hoặc các phương pháp không an toàn dẫn đến những tai biến nguy hiểm. Hậu quả nhẹ thì để lại khuyết tật khi vận động, nặng thì phải cắt bỏ chi thể đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Những tai biến thường gặp

Bị bệnh viêm khớp khoảng 2 năm nay, thông qua lời giới thiệu của người quen bà Đ.T.T ở xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải đã tìm đến cơ sở y tế ở địa phương để tiêm giảm đau khớp gối. Vài ngày sau tình trạng đau nhức ngày càng tăng, bà được chuyển lên BVĐK tỉnh để điều trị. Sau khi làm các xét nghiệm tại khoa Nội Thận, cơ xương khớp bệnh nhân được xác định nhiễm khuẩn tụ cầu vàng khu vực khớp gối. Bà T cho biết “ Tôi tiêm xong họ cũng không băng bịt chỗ tiêm lại. Khi chân sưng, đau, nóng, đỏ tôi có hỏi người tiêm thị họ cứ bảo không sao, đến lúc lên bệnh viện đa khoa tỉnh thì bác sĩ rút ra 2 lần hơn 40cc dịch ở khớp gối, tôi cũng không nghĩ tình trạng bệnh lại nặng như vậy”.

Bệnh nhân Đ.T.T bị nhiễm khuẩn Tụ cầu vàng sau khi tiêm giảm đau khớp gối

Không chỉ ghi nhận những ca tai biến sau khi thực hiện thủ thuật tiêm, hút nội khớp không đảm bảo an toàn. Thời gian qua, bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình còn tiếp nhận những ca biến chứng nặng nề do bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp, gout mãn tính, tự sử dụng các loại thuốc bột, viên hoàn không rõ nguồn gốc, thành phần. Bệnh nhân H.T.T.B ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ điều trị suy tuyến thượng thận tại Khoa Nội Thận cơ xương khớp cho biết:“ tôi bị viêm khớp dạng thấp nhưng không  theo phác đồ điều trị ở viện mà mua thuốc của Lương y và  uống được 4 tháng. Lúc đầu thấy đỡ nhưng sau đó ngày càng đau hơn, mặt phù nề, chân teo lại, các khớp đều đau nhức dữ dội. Đến đây thì bác sĩ bảo, tình trạng bệnh đã diễn biến phức tạp, ngoài viêm khớp dạng thấp tôi còn bị suy thượng thận,loãng xương, đái tháo đường, giảm thị lực…”

Bệnh nhân H.T.T.B , xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ

Vừa qua, Khoa Nội Thận – Cơ xương khớp, BVĐK tỉnh Thái Bình còn tiếp  nhận bệnh nhân P.V.V ở xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà nhập viện trong tình trạng bàn chân và cẳng chân có hàng trăm vết trích rạch gây sưng tấy, đau nhức, sốt cao. Bệnh nhân cho biết: có người giới thiệu ở thị trấn Hưng Nhân có thầy lang điều trị xương khớp bằng cách nặn máu độc, nên tôi có tìm đến để chữa trị. Thầy lang có dùng một vật sắc nhọn giống như mảnh thủy tinh, rạch từng vết 0.5 – 1 cm  từ vùng đầu gối trở xuống đến hết mu bàn chân, vừa rạch vừa nặn máu ra. Họ nói việc chích máu, thải độc sẽ giúp cơ thể loại bỏ độc tố, lưu thông khí huyết, cải thiện bệnh xương khớp. Tuy nhiên, sau khi nặn máu độc khoảng 1 ngày cẳng chân và khớp gối của tôi đau tăng lên, không thể đi đứng được, vùng chích rạch có dấu hiệu viêm tấy, người thì mệt mỏi, sốt cao nên người nhà phải đưa ngay lên BVĐK tỉnh để điều trị”.

Bác sĩ Roãn Thị Thư Nghĩa, Khoa Nội Thận – Cơ xương khớp, BVĐK tỉnh Thái Bình cho biết: “Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhânP.V.V được chẩn đoán: viêm tấy lan tỏa phần mềm cẳng bàn chân 2 bên-đợt gout cấp có biến chứng suy thận-tăng men gan, tiên lượng nặng, nguy cơ chuyển nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm khuẩn/suy đa tạng cao, được điều trị theo hướng dùng kháng sinh phổ rộng đường tĩnh mạch, thuốc chống viêm, giảm đau, hỗ trợ chức năng gan, Sau 1 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã cơ bản ổn định, khu cẳng chân và bàn chân đỡ sưng đau, hết sốt, hết suy thận, men gan giảm.”

Lời khuyên của bác sĩ

Trung bình mỗi năm, khoa Nội Thận, cơ xương khớp, bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình khám ngoại trú khoảng 7000 bệnh nhân, điều trị nội trú gần 4000 bệnh nhân, tiếp nhận hàng trăm ca nhập viên do các tai biến, biến chứng liên quan đến cơ xương khớp. Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Lan Anh, trưởng khoa Nội thận – Cơ xương khớp, BVĐK tỉnh Thái Bình cho biết: Rất nhiều bệnh nhân đến khám tại cơ sở chuyên khoa thì đã vào giai đoạn muộn và bị một số tai biến như: nhiễm trùng toàn thân, loãng xương, nhiễm khuẩn hạt tophi, tiểu đường, giảm thị lực, suy tim, suy thận, biến dạng khớp… đặc biệt những bệnh nhân không nắm được bệnh nền của bản thân, dùng thuốc không theo chỉ định có thể dẫn tới xuất huyết tiêu hóa.

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Lan Anh, Trưởng khoa Nội thận – Cơ xương khớp, BVĐK tỉnh Thái Bình thăm khám cho bệnh nhân

Đối với các kỹ thuật như tiêm, hút dịch khớp nếu không được thực hiện trong môi trường vô trùng sẽ gây nhiễm khuẩn ổ khớp, có thể chảy máu nội khớp, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp và loãng xương. Người bệnh cần lưu ý: hút dịch và tiêm khớp phải được chỉ định bởi các bác sỹ chuyên khoa cơ xương khớp, phải được thực hiện tại phòng tiêm khớp vô khuẩn; phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sau tiêm khớp, tái khám kịp thời để bác sỹ điều chỉnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Khám Cơ xương khớp ở đâu?

Hiện nay, khoa Nội Thận – Cơ xương khớp, BVĐK Tỉnh Thái Bình đang triển khai các dịch vụ được BHYT chi trả như : Truyền thuốc loãng xương 1 năm 1 lần; tiêm chất nhờn khớp gối acid hyaluronic; siêu âm khớp và phần mềm quanh khớp chuyên sâu; tiêm khớp và hút dịch khớp dưới hướng dẫn siêu âm; điều trị giảm đau, giảm viêm … Trong thời gian tới Khoa tiếp tục triển khai : truyền thuốc sinh học để điều trị các bệnh khớp mãn tính. Điều trị thoái hóa khớp gối và viêm các điểm bám gân, tái tạo gân bằng phương pháp “tiêm huyết tương tươi giàu tiểu cầu tự thân”. Đây phương pháp bảo tồn khớp tự nhiên, chống viêm, tái tạo sụn khớp, tính an toàn cao. Tất cả các thủ thuật đều được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, giàu kinh nghiệm, được đào tạo nâng cao tại Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai; phòng thủ thuật vô khuẩn, đảm bảo an toàn cho người bệnh, hạn chế tối đa các tai biến sau điều trị.

Với phương châm hoạt động “điều trị bằng con tim khối óc; chăm sóc bằng khoa học tinh thần”. Đội ngũ cán bộ y tế sẽ luôn đồng hành cùng người dân trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nói chung và phòng ngừa – chẩn đoán – điều trị các bệnh lý cơ xương khớp nói riêng.

Kỹ thuật tiêm/ hút dịch khớp dưới hướng dẫn siêu âm được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp, phòng tiêm vô khuẩn đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Hãy liên hệ ngay theo SĐT Khoa Nội Thận- CXK, BVĐK tỉnh: 0227.3848.005 hoặc đăng ký khám bệnh tại Phòng Khám chuyên khoa tại tầng 2, Khoa Khám bệnh để được chăm sóc tư vấn các vấn đề về Cơ Xương Khớp.

PHÒNG CTXH