Trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, Mỹ đã sử dụng thuốc diệt cỏ để kiểm soát ngăn chặn quân giải phóng. Ngày 10/8/1961 là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, sử dụng chất độc da cam/dioxin, nhằm triệt hạ nguồn sống của thảm thực vật ở miền Nam Việt Nam.
Đến nay, cuộc chiến tranh hóa học Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử, hàng trăm nghìn nạn nhân đã bị chết và hàng trăm nghìn người khác là nạn nhân của chất độc da cam đang phải hứng chịu hậu quả khủng khiếp. Cùng với đó, nhiều căn bệnh hiểm nghèo vẫn tiếp tục xảy ra cho những thế hệ con cháu. Đó chính là tội ác mà Mỹ đã gây ra ở Vệt Nam, trở thành nỗi đau không thể xoa dịu.
Qua kết quả nghiên cứu trong 18 năm của Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, các nhà khoa học kết luận rằng chất độc da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khoẻ con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người đã bị phơi nhiễm. Thậm chí, cả những trẻ em sống trong vùng bị nhiễm chất độc hoá học cũng có biểu hiện bệnh lý. Chất da cam/dioxin đã có ảnh hưởng về di truyền sinh thái, đặc biệt gây ra tình trạng sẩy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bị nhiễm dioxin. Hơn thế nữa, tác động lâu dài của chất độc da cam/dioxin không chỉ có mấy chục năm, mà có thể lên tới trên 100 năm. Số người bị ảnh hưởng của chất độc này cũng không chỉ dừng ở 4,8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người.
Trước những hậu quả hết sức nặng nề của chất độc màu da cam, Đảng, Nhà nước ta xác định công cuộc khắc phục hậu quả do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là một vấn đề cấp bách, lâu dài, là trách nhiệm của tất cả các cấp ủy đảng chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Với tinh thần đoàn kết dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã cho phép thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ngày 10/01/2004, Hội chính thức ra mắt và triển khai nhiều hoạt động phối hợp có hiệu quả như chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, góp phần xoa dịu nỗi đau với những gia đình có nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai là tâm nguyện của dân tộc Việt Nam sau chiến tranh. Tuy nhiên 63 năm trôi qua, “nỗi đau da cam” của người Việt Nam vẫn còn đó. Kỉ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 là dịp để khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam; cổ vũ, lan tỏa tinh thần “Thương người như thể thương thân”, để “Không ai bị bỏ lại phía sau”, biến nhận thức của mỗi người thành hành động cụ thể, thiết thực giúp đỡ nạn nhân vượt lên chính mình, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng.
PHÒNG CTXH
- Bản tin hoạt động tháng 07/2024
- Thư mời chào giá “Sửa chữa máy siêu âm Dopler màu H60 tại khoa Chẩn đoán hình ảnh”
- Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến năm 2024 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2025
- Thư mời chào giá “Mua sắm vật tư, phụ kiện phục vụ bệnh nhân và sửa chữa trang thiết bị y tế năm 2023”
- LĐLĐ tỉnh đến thăm, chúc tết cán bộ viên chức – người lao động BVĐK tỉnh Thái Bình