Đau cột sống thắt lưng

Đau cột sống thắt lưng là tình trạng nhiều người đang phải đối mặt, đây là nguyên nhân khiến khả năng vận động của chúng ta bị hạn chế. Nếu bỏ qua việc điều trị, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn khi sinh hoạt hàng ngày, sức khỏe chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Chúng ta hãy cùng bác sĩ Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tìm hiểu rõ hơn về cách điều trị đau cột sống thắt lưng qua bài viết dưới đây.

1. Đau cột sống thắt lưng là gì?

Đau cột sống thắt lưng hay còn gọi là đau lưng vùng thấp là hội chứng do đau khu trú trong khoảng từ ngang mức L1 đến nếp lằn mông (có thể ở một bên hoặc cả hai bên). Đau cột sống thắt lưng là một chứng bệnh phổ biến ở người có tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa dần.

Theo thống kê, có đến khoảng 80% trường hợp bị bệnh đau cột sống lưng không rõ nguyên nhân. So với nam giới, nữ giới có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn. Ngoài ra, đau lưng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, vì vậy nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra tổn thương cho hệ thống xương khớp, cột sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

2. Dấu hiệu nhận biết đau cột sống thắt lưng?

Đau cột sống thắt lưng được biểu hiện rõ nét bởi những triệu chứng như sau:

  • Đau có tính chất cơ học, kèm theo co cứng cơ cạnh cột sống
  • Ấn có điểm đau cạnh cột sống
  • Cột sống mất đường cong sinh lý

3. Phương pháp xử trí và điều trị hiệu quả

3.1. Điều trị không dùng thuốc:

  • Nếu đau cấp tính: Nằm nghỉ tại chỗ trên giường phẳng từ 3 đến 5 ngày. Kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng.
  • Người bệnh phải đeo đai hỗ trợ thắt lưng khi ngồi dậy hoặc đi lại vận động (nếu cần).
  • Xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, giác hơi,…

3.2. Điều trị dùng thuốc:

Vitamin nhóm B, giảm đau, chống viêm, giãn cơ…

3.2. Điều trị ngoại khoa:

Chỉ định phẫu thuật cho các trường hợp đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm hoặc kèm trượt đốt sống đã được điều trị nội khoa tích cực trong ba tháng nhưng không đạt hiệu quả, đặc biệt đối với trường hợp đau nhiều, có dấu hiệu ép rễ nặng (teo cơ nhanh, rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giác).

4. Chăm sóc người bệnh đau cột sống thắt lưng

Ăn uống thiếu chất, lười vận động, sử dụng nhiều chất kích thích, luôn lo lắng hay căng thẳng cũng có thể gây nên các cơn đau lưng. Để phòng tránh bệnh và hạn chế các cơn đau bạn nên:

  • Thực hiện các biện pháp tránh tái phát đau vùng thắt lưng: làm việc đúng tư thế, đặc biệt khi mang vật nặng. Nếu phải hoạt động ở tư thế ngồi hoặc đứng lâu, phải luôn giữ cho cột sống ở tư thế thẳng. Cần thay đổi tư thế mỗi 20 đến 30 phút một lần, tránh ngồi cúi gập về trước hoặc lệch vẹo về một bên
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Đảm bảo chế độ ăn đủ calci và vitamin D
  • Giảm cân nếu thừa cân
  • Dự phòng loãng xương ở người có nguy cơ cao

Ngoài ra, khi xuất hiện chứng đau lưng không rõ nguyên nhân thì người bệnh cần đến bác sĩ để thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị sớm. Việc chậm trễ trong điều trị có thể gây nguy hiểm nếu chẳng may bạn mắc phải các bệnh nghiêm trọng.

Để được tư vấn chi tiết về các gói khám cũng như cách đặt lịch khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, quý khách vui lòng liên hệ số HOTLINE:

  • Đặt lịch đăng kí khám bệnh: 02273.645.270
  • Tư vấn, hướng dẫn: 02273.831.102.

PHÒNG CTXH