Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có thể hiểu là việc đảm bảo rằng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác.
Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là việc bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử.
Kết thúc dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà đảm bảo rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với các tiêu chí như số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca mỗi năm và tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%.
Khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV như sau:
- Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục
- Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng, không quan hệ tình dục bừa bãi.
- Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.
- Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV.
- Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu
- Không tiêm chích ma túy.
- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu,…
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV.
- Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,…
- Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con
- Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.
- Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.
- Sau khi đẻ nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa bò thay thế sữa mẹ.
Có thể khẳng định, việc phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, của từng gia đình và mỗi cá nhân. Đối với người dân nói chung và đối với nhân viên y tế nói riêng cần phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS; thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền về các tệ nạn xã hội; có lối sống lành mạnh, tự chủ trong các mối quan hệ với bạn bè; đề phòng trong phơi nhiễm nghề nghiệp, không sa vào những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm nhằm góp phần đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.
“BỚT ĐI MỘT ÁNH MẮT KỲ THỊ LÀ TĂNG THÊM MỘT TIA HY VỌNG CHO NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS”
Phòng CTXH
- Gãy thân xương đùi
- Giá thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện
- Sơ cứu và chăm sóc khi bị bỏng
- Thư mời chào giá lần 2 “Mua sắm vật tư, vật liệu thay thế, sửa chữa hệ thống nước RO”
- Thư mời chào giá “Mua sắm thuốc Generic và thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình năm 2024”