BVĐK tỉnh Thái Bình đã thành lập Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ, quy mô 40 giường bệnh nội trú với hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Đây cũng là Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ đầu tiên tại Thái Bình.
Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ thành lập theo Quyết định số 1415/QĐ-BV ngày 21/10/2024 của BVĐK tỉnh Thái Bình, hoạt động theo quy trình khép kín với 3 khoa/phòng: Khoa cấp cứu, Khoa đột quỵ và phòng Hành chính – Tổng hợp. Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ có nhiệm vụ cấp cứu đa chuyên khoa; cấp cứu người bệnh đột quỵ cấp; tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người bệnh, người chăm sóc và cộng đồng về lĩnh vực cấp cứu, đột quỵ; tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và Giám đốc Bệnh viện phân công. Bs. Vũ Sơn Tùng – Trưởng khoa Cấp cứu được giao phụ trách Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ.
Trung tâm đã ổn định ngay từ những ngày đầu tiên bởi khâu chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự và trang thiết bị trước khi đi vào hoạt động. Với đội ngũ y bác sĩ giỏi về chuyên môn cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại của Bệnh viện như: Hệ thống chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt, hệ thống chụp công hưởng từ 1.5 Tesla, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) cùng các trang thiết bị phục vụ cấp cứu, hồi sức người bệnh nặng…Là tiền đề giúp Trung tâm ổn định nhanh chóng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cấp cứu người bệnh. Đặc biệt, đối với chuyên ngành đột quỵ, Trung tâm đã triển khai thường quy kĩ thuật khai thông mạch não bằng điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong nhồi máu não cấp. Định hướng những năm tiếp theo, trung tâm tiếp tục ứng dụng và triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu trong công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân như: Kỹ thuật dẫn lưu não thất, các kỹ thuật chụp và can thiệp mạch não, các kỹ thuật thăm dò huyết động, các kỹ thuật lọc máu liên tục, các kỹ thuật kiểm soát thân nhiệt,…
Thống kê của Bộ Y tế, gần 70% trường hợp đột quỵ không được cấp cứu kịp thời dẫn đến người bệnh gặp phải các biến chứng nặng nề. Trong đó, chỉ khoảng 33% trường hợp bị đột quỵ được cấp cứu kịp thời trong “giờ vàng”. Không được cấp cứu đột quỵ trong “giờ vàng” cũng khiến người bệnh gặp phải các biến chứng nặng nề như liệt nửa người, mất hoặc giảm khả năng đi lại, kéo dài thời gian phục hồi của người bệnh… Sự ra đời của Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ đã góp phần nâng cao năng lực cấp cứu nói chung cũng như cấp cứu kịp thời bệnh nhân đột quỵ nói riêng thay vì phải di chuyển lên các Bệnh viện tuyến trên, nhờ đó giúp tăng tỷ lệ cứu sống và giảm tỷ lệ di chứng cho người bệnh.
Việc thành lập Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ là một trong những bước phát triển lớn của BVĐK tỉnh Thái Bình; là một trong 10 mục tiên quan trọng của Bệnh viện trong năm 2024, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng uỷ, Ban lãnh đạo Bệnh viện. Góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên điều trị tại Bệnh viện. Với mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, tốt nhất cho người dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình và các vùng lân cận, xây dựng Bệnh viện Đổi mới – Phát triển – Hội nhập./.
PHÒNG CTXH
- Thành lập 10 đội thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết Giáp Thìn 2024
- Thư mời chào giá Vệ sinh môi trường
- Thư mời chào giá “Mua sắm dịch vụ sửa chữa màn hình Hệ thống nội soi dạ dày, tá tràng Fujinon 3500HD, hãng Fujifilm tại khoa Thăm dò chức năng” và “Mua sắm dịch vụ sửa chữa máy siêu âm Acusion X150 hãng Siemens, tại khoa Nội thận cơ xương khớp”
- 120 năm xây dựng và phát triển
- Tập huấn đổi mới phong cách, thái độ, nâng cao y đức hướng tới sự hài lòng của người bệnh