Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCKI. Đào Thị Bích – Khoa Lão Khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình
Sa sút trí tuệ là bệnh phổ biến ở người già, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, tạo gánh nặng cho xã hội. Điều đáng nói là ở nước ta, tỷ lệ dân số già hóa trước tuổi lại đang có chiều hướng gia tăng nên cũng đồng nghĩa với tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng cao. Nhận biết sớm các triệu chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi để can thiệp kịp thời là cách tốt nhất giúp ngăn ngừa, giảm thiểu hệ lụy do bệnh gây ra.
1. Sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ là một hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây ra
Sa sút trí tuệ (Dementia) mô tả một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ và khả năng xã hội đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người mắc phải.
Rối loạn trí nhớ là một trong những triệu chứng đặc trưng của sa sút trí tuệ.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh sa sút trí tuệ?
Do tổn thương hoặc mất các tế bào thần kinh và các kết nối của chúng ở trong não. Tùy thuộc vào khu vực não bị ảnh hưởng do tổn thương thì chứng sa sút trí tuệ có thể gây ra triệu chứng khác nhau.
Chứng sa sút trí tuệ chia 3 nhóm nguyên nhân:
Chứng sa sút trí tuệ tiến triển: Các loại chứng sa sút trí tuệ tiến triển và không hồi phục bao gồm:
- Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ
- Sa sút trí tuệ mạch máu: loại sa sút trí tuệ phổ biến thứ hai này là do tổn thương các mạch cung cấp máu cho não của người bệnh
- Sa sút trí tuệ thể Lewy
- Sa sút trí tuệ trán thái dương
- Sa sút trí tuệ hỗn hợp:sự kết hợp của một số nguyên nhân, chẳng hạn như bệnh Alzheimer, chứng sa sút trí tuệ não mạch và sa sút trí tuệ thể Lewy.
Nhóm bệnh não tiến triển khác: Bệnh Huntington, Chấn thương sọ não, Bệnh Parkinson, bệnh Creuzfeldt-Jakob
Tình trạng giống sa sút trí tuệ nhưng có thể hồi phục được: một số nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ hoặc các triệu chứng giống như mất trí nhớ có thể được đảo ngược bằng điều trị như:
- Nhiễm trùng và rối loạn miễn dịch: do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công vào tế bào thần kinh có thể gây ra chứng mất trí nhớ.
- Vấn đề trao đổi chất và bất thường nội tiết. Những người có vấn đề về tuyến giáp, lượng đường trong máu thấp, quá ít hoặc quá nhiều natri hoặc canxi, hoặc các vấn đề hấp thụ vitamin B-12
- Thiếu hụt dinh dưỡng: không nhận đủ thiamin (vitamin B-1), thường gặp ở những người nghiện rượu mãn tính; và không nhận đủ vitamin B-6 và B-12.
- Tác dụng phụ của thuốc: phản ứng với thuốc hoặc tương tác của một số loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng giống như sa sút trí tuệ.
- Ngộ độc: chẳng hạn như chì và các chất độc khác, thuốc trừ sâu, thuốc hướng thần hoặc sử dụng rượu nặng có thể dẫn đến các triệu chứng sa sút trí tuệ.
- Tụ máu dưới màng cứng: thường gặp ở người cao tuổi sau ngã
- U não: chứng mất trí có thể xảy ra do khối u não gây ra
- Anoxia: do thiếu oxy xảy ra ở các mô cơ quan.Anoxia có thể xảy ra khi huyên suyễn, đau tim, ngộ độc carbon monoxide hoặc các nguyên nhân khá
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh sa sút trí tuệ?
Các triệu chứng sa sút trí tuệ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Giảm trí nhớ: giảm khá năng học và lưu trữ thông tin mới, giảm nhớ sự kiện cá nhân như hay quên đồ vật
- Giảm ngôn ngữ: khó khăn trong giao tiếp, khó khăn khi tìm từ, giảm nói lưu loát, không nói được những câu phức tạp
- Giảm khả năng thị giác và không gian: giảm nhận biết hình ảnh, không nhận ra khuôn mặt người quen, lạc ở nhưng nơi quen thuộc hoặc không vẽ được hình theo không gian 3 chiều
- Giảm chức năng điều hành: giảm khả năng lên kế hoạch, dự đoán, giảm khả năng tiếp nhận và xử trí thông tin
- Giảm hoạt động chức năng: các hoạt động hàng này như quản lý chi tiêu tiền bạc, mua bán, sử dụng thuốc. Giai đoạn muộn có giảm hoạt động hàng ngày ăn uống, mặc quần áo đi vệ sinh
- Các rối loạn hành vi: Thay đổi tính cách, phiền muộn, lo âu, hành vi không phù hợp, hoang tưởng, ảo giác, kích động
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình
4.1. Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ đòi hỏi một đánh giá toàn diện, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh tật, thuốc đang dùng, bệnh kèm theo, tình trạng học vấn, tiền sử gia đình, các triệu chứng hiện tại của bệnh nhân và tiến hành khám thực thể một cách toàn diện bao gồm phát hiện bệnh lí nội khoa, bệnh lí thần kinh như bệnh lý tim mạch, TBMN, Parkinson, bệnh lý tuyến giáp, nhiễm trùng, chấn thương..
Đánh giá nhận thức, tâm thần –hành vi, hoạt động hàng ngày bằng thang điểm được công nhận.
Chụp não:
- Chụp CT hoặc MRI. Những kỹ thuật này có thể phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ hoặc chảy máu hoặc khối u hoặc tràn dịch não.
- PET scan cho thấy các mô hình hoạt động của não và tìm mảng protein amyloid, một dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer.
Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm:
- Xét nghiệm máu có thể phát hiện các vấn đề về thể chất có thể ảnh hưởng đến chức năng não, chẳng hạn như công thức máu, đường máu, chức năng gan, đo nồng độ vitamin B-12 hoặc tuyến giáp hoạt động kém. Đôi khi dịch não tủy được kiểm tra xem có tình trạng nhiễm trùng, viêm hoặc dấu hiệu của một số bệnh thoái hóa.
4.2. Phương pháp điều trị
Hầu hết các loại chứng mất trí nhớ không thể được chữa khỏi, nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng của người bệnh. Một số trường hợp giống sa sút trí tuệ như thiếu vitamin B1, B12, rối loạn chức năng tuyến giáp có thể hồi phục sau điều trị.
Điều trị bằng thuốc: sử dụng một số thuốc làm giảm tiến triển của bệnh như: thuốc ức chế cholinesterase, thuốc bảo vệ tế bào thần kinh
Bên cạnh việc dùng thuốc, một số triệu chứng sa sút trí tuệ và các vấn đề về hành vi có thể được điều trị ban đầu bằng cách sử dụng các phương pháp không sử dụng thuốc như:
- Liệu pháp nghề nghiệp để xác định các vấn đề trong cuộc sống hàng này
- Ngôn ngữ trị liệu để giúp cải thiện vấn đề giao tiếp
- Massage, vật lí trị liệu để giúp đỡ khó khăn trong vận động, kích thích nhận thức
- Kỹ thuật thư giãn như nghe nhạc, khiêu vũ
- Tương tác với xã hội, tham gia các hoạt động giải trí
Đào tạo kỹ năng sống: lập kế hoạch giúp bệnh nhân thực hiện được càng nhiều kỹ năng càng tốt, thúc đẩy sự độc lập trong các nhiệm vụ chăm sóc cá nhân như mặc quần áo, vệ sinh, ăn uống, tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Chăm sóc: Bệnh nhân sa sút trí tuệ hay quên, nhiều bệnh nhân ở giai đoạn nặng không làm được những sinh hoạt hằng ngày, một số bệnh nhân có rối loạn hành vi, kích động, hoang tưởng. Chính vì vậy trong thời gian nằm viện nhân viên y tế sẽ có kế hoạch giám sát việc thực hiện y lệnh thuốc của người bệnh, hỗ trợ người bệnh khi cần thiết và tư vấn sớm cho gia đình bệnh nhân có kế hoạch theo dõi, chăm sóc và hỗ trợ người bệnh.
Nếu đang nghi ngờ người thân của mình có biểu hiện sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, bạn có thể gọi tới số điện thoại 02273.831.102 để được tư vấn, hỗ trợ hoặc đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để được đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn vững vàng trực tiếp thăm khám, kiểm tra, chẩn đoán và đưa ra phương án trị bệnh tối ưu nhất.
Lời khuyên của bác sĩ
- Giữ cho tâm trí hoạt động: tham gia các hoạt động kích thích tinh thần, chẳng hạn như đọc, giải câu đố và chơi trò chơi chữ và rèn luyện trí nhớ có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và giảm hậu quả của nó.
- Hoạt động thể chất và xã hội. Hoạt động thể chất và tương tác xã hội có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và giảm các triệu chứng của nó.
- Từ bỏ hút thuốc lá. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá ở tuổi trung niên trở lên có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ và các bệnh về mạch máu. Bỏ hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ và sẽ cải thiện sức khỏe của người bệnh.
- Bổ sung đủ vitamin. Một số nghiên cứu cho thấy những người có lượng vitamin D trong máu thấp có nhiều khả năng mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Do vậy, cần bổ sung đủ vitamin D thông qua một số loại thực phẩm, thực phẩm chức năng và phơi nắng, nên đảm bảo bạn có đủ vitamin D. Uống vitamin B và vitamin C hàng ngày cũng có thể hữu ích.
- Quản lý tốt các bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu giúpgiảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ hay không.
- Thăm khám sớm nếu người bệnh bị mất thính lực, trầm cảm hoặc lo lắng.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn chế độ ăn uống lành mạnh, giàu trái cây, rau, ngũ cốc và axit béo omega-3, có thể tăng cường sức khỏe, tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ phát triển chứng mất trí.
PHÒNG CTXH
- Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị và các văn bản về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIV của Đảng
- Tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá: Các gói thầu tư vấn chuẩn bị đầu tư dự án: Mua sắm một số thiết bị để lắp đặt bổ sung cho Hệ thống khí y tế trung tâm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình
- Thư mời chào giá “Mua sắm vật tư, linh kiện sửa chữa hệ thống chụp mạch số xóa nền tại Trung tâm tim mạch và khoa Chẩn đoán hình ảnh”
- Tổng quan về bệnh lý tăng tiết mồ hôi bàn tay nguyên phát
- Mời quan tâm, báo giá tư vấn đấu thầu cho gói thầu: Mua sắm vật tư, linh kiện thay thế, sửa chữa 02 hệ thống chụp mạch (DSA) tại khoa Chẩn đoán hình ảnh và Trung tâm Tim mạch.