Bảo hiểm y tế – đóng góp khi lành, để dành khi ốm

Ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 01 tháng 7 hàng năm là Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam để tuyên truyền về Luật BHYT; khuyến khích, vận động Nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.

I. Bảo hiểm y tế là gì?

– Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện (theo khoản 1 Điều 2, Luật BHYT).

– Tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm đau, bệnh tật. BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo cộng đồng sâu sắc vì dựa trên nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, người khỏe sẽ hỗ trợ cho những người bị ốm đau bệnh tật. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Sau đây là một số nội dung mà người tham gia BHYT cần biết:

II. Về đối tượng tham gia BHYT?

Các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế gồm 6 nhóm sau:

  1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
  2. Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.
  3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng.
  4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
  5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
  6. Nhóm do người sử dụng lao động đóng.

III. Về mức đóng BHYT của các nhóm đối tượng được quy định thế nào?

– Mức đóng BHYT đối với mỗi đối tượng khác nhau là khác nhau.

– Mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở.

  1. Mức đóng BHYT của người lao động và người sử dụng lao động: Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%, còn người lao động đóng 1,5%. Mức đóng BHYT của người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp: Bằng 4,5% tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động,tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản, tiền trợ cấp thất nghiệp
  1. Mức đóng BHYT đối với các đối tượng khác: Bằng 4,5% mức lương cơ sở.
  2. Mức đóng của người tham gia BHYT theo hộ gia đình: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; Người thứ hai đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất; Người thứ ba đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất; Người thứ tư đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất; Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất; Việc giảm trừ mức đóng BHYT theo hộ gia đình như trên được thực hiện khi các thành viên cùng tham gia BHYT trong năm tài chính.
  3. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng: Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ từ 30% đến 100% mức đóng BHYT đối với các đối tượng khác nhau.

IV. Về mức hưởng của người tham gia Bảo hiểm y tế

Theo Điều 22 Luật BHYT năm 2014; Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Nghị định 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP thì mức hưởng BHYT sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng tham gia BHYT, thời gian tham gia BHYT và trường hợp đi khám chữa bệnh BHYT là đúng tuyến hay trái tuyến.

1. Mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh đúng tuyến như sau:

1.1. Hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế

1.2. Hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và có giới hạn tỷ lệ thanh toán theo quy định của Bộ Y tế.

1.3. Hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã.

1.4. Hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.

1.5. Hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

1.6. Hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh.

1.7. Hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh.

2. Mức hưởng BHYT trái tuyến

– Khi người có thẻ BHYT tự ý đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh với tỷ lệ thấp hơn các trường hợp đi khám chữa bệnh đúng tuyến, chuyển tuyến đúng quy định.

– Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

– Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước;

– Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB từ ngày 01/01/2016.

Tham gia BHYT là hình thức “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”. Vì vậy, mọi người dân hãy tích cực tham gia BHYT ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, đồng thời cũng là cách để được chia sẻ trách nhiệm của bản thân với cộng đồng và xã hội./.

PHÒNG CTXH