Sự việc nghi bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa tại trường iSchool Nha Trang và 1 em đã không qua khỏi khi đang trên đường chuyển viện đến TP. HCM khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng về tình trạng ngộ độc thức ăn.
Ngộ độc thức ăn có dấu hiệu như thế nào, cần sơ cứu ra sao? Bài viết sau đây sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Lý do gây ngộ độc thức ăn
Ngộ độc thức ăn là mối lo trước mắt và luôn có nguy cơ có thể xảy ra. Bởi đây là bệnh truyền qua thực phẩm, xảy ra phổ biến, nhất là ở các nước đang phát triển. Theo nghiên cứu, ở Châu Á, Phi và Mỹ La Tinh có khoảng 12.000 trẻ em tử vong mỗi ngày do nhiễm độc thức ăn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc thức ăn, trong đó có thể do nguyên liệu làm thức ăn, bao gồm vật nuôi làm thức ăn, trái cây tươi, củ quả, rau xanh… chứa vi khuẩn và ngay cả thủy hải sản nhiễm vi khuẩn, virus từ nguồn nước bị ô nhiễm.
Chính vì vậy, lý do đầu tiên làm thức ăn bị nhiễm vi sinh vật là do dùng nguyên liệu nhiễm trùng, nguyên liệu sống, rau xanh, trái cây sử dụng phân hữu cơ khi nuôi trồng. Loại thực phẩm tồn trữ, bảo quản, chế biến, vận chuyển không đúng cách cũng sẽ dễ bị lây nhiễm vi sinh vật và lan tỏa độc tố.
Ngoài ra, ô nhiễm thực phẩm có thể xảy ra khi chúng chạm vào nguồn thức ăn bị nhiễm khác hoặc tiếp xúc với dụng cụ chế biến thực phẩm bị ô nhiễm như kệ đựng thức ăn, dao, thớt… cũng là lý do gây ngộ độc thực phẩm.
Đối tượng dễ bị ngộ độc thức ăn
Ai cũng có thể đối diện với tình trạng ngộ độc thức ăn, tuy nhiên, những đối tượng dễ bị ngộ độc hơn và ngộ độc sẽ nguy hiểm hơn đến tính mạng là những người có hệ thống miễn dịch yếu như trẻ nhỏ 2 đến 5 tuổi, do trẻ chưa có đủ kháng thể để bảo vệ cơ thể, chưa có thói quen vệ sinh và do lượng kháng thể có trong sữa mẹ giảm dần… Vì vậy, rất dễ gây ngộ độc thức ăn.
Người cao tuổi, người bị bệnh về máu, mắc bệnh mãn tính (suy thận, tim, đái tháo đường…), người già sống trong trại dưỡng lão; Người đang dùng một số thuốc gây giảm khả năng chống đỡ với nhiễm trùng như Corticoides, thuốc hóa trị ung thư, thuốc chống thải ghép… dễ gây ngộ độc thức ăn.
Ngoài ra, những đối tượng có thói quen ăn uống thiếu vệ sinh, không có thói quen dùng xà phòng rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và sau khi đi vệ sinh, dùng thức ăn sống, sữa không tiệt trùng; Điều kiện sống kém, thiếu kiến thức vệ sinh nhà cửa môi trường, thiếu nhà vệ sinh, thiết bị vệ sinh chưa đúng tiêu chuẩn. Cộng đồng sống chật chội, thiếu nguồn nước sạch, hệ thống xử lý chất thải, thiếu phương tiện dự trữ và bảo quản thực phẩm làm lây lan mầm bệnh ra môi trường… dễ gây ngộ độc thức ăn.
Biểu hiện và cách xử trí ngộ độc thức ăn
Tùy thuộc vào chủng loại gây ngộ độc là vi khuẩn, virus hay là ký sinh trùng và lượng chất độc đã ăn vào mà người bệnh có biểu hiện triệu chứng của bệnh. Có thể xuất hiện vài phút sau khi ăn hoặc vài ngày, vài tuần sau khi ăn phải thức ăn gây ngộ độc.
Biểu hiện ngộ độc thức ăn có thể là tiêu chảy, có khi chỉ thoáng qua rồi tự hết, cũng có khi rầm rộ, phân toàn nước hoặc có nhầy máu. Người bệnh có thể đau bụng âm ỉ, mót rặn hay quặn từng cơn. Buồn nôn và nôn, có khi kèm theo sốt cao, lạnh run, nếu kéo dài hơn 24h dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết.
Biểu hiện ngộ độc nặng là khi người bệnh có biểu hiện khát nước nhiều, khô môi, mắt trũng, da nhăn nheo, giọng nói yếu, tay chân lạnh, mạch nhanh, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, sốt cao kéo dài… thì nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt, để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, trên thực tế mức độ nặng nhẹ của bệnh tùy thuộc vào tác nhân gây ngộ độc, độ tuổi và cơ địa của mỗi người. Ở người cao tuổi, người bệnh mạn tính, trẻ còn quá nhỏ thì bệnh nhanh chóng tiến triển nặng, vì sức chịu đựng kém của cơ thể với tình trạng mất nước và nhiễm trùng.
Lý do khiến cho bệnh trở nên nặng nề là do tình trạng mất nước, mất các chất điện giải và tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc… sẽ khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Chính vì vậy, khi nhận biết thấy ngộ độc thức ăn cần xử trí đúng cách.
– Trước hết cần ngừng không ăn thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, để tránh tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
– Nếu người bệnh tỉnh táo cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ hết thức ăn độc ra ngoài. Có thể gây nôn bằng cách cho người bệnh uống một cốc nước lọc hoặc nước pha muối (0,9%), sau đó dùng ngón tay đè vào gốc lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày càng tốt.
Sau đó cho người bệnh nằm nghỉ, nhưng phải được theo dõi, nếu có triệu chứng bất thường cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất, càng sớm càng tốt.
Đối với trường hợp có biểu hiện tiêu chảy, mất nước thì cần uống bù nước điện giải càng sớm càng tốt, nhằm bổ sung lượng đã mất và lượng theo nhu cầu hàng ngày của cơ thể, để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Sau đó cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được chăm sóc theo dõi.
Đối với trường hợp điều trị tại nhà cần duy trì việc ăn uống trong lúc tiêu chảy, vì sẽ làm giảm nhanh các rối loạn hấp thu ruột do nhiễm trùng, rút ngắn thời gian tiêu chảy, giúp phòng tránh được suy dinh dưỡng.
Người bệnh cần ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, tránh ăn thức ăn, nước uống chứa nhiều đường, vì sẽ làm cho tình trạng tiêu chảy nhiều hơn.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý, do có nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn, vì vậy tùy từng nguyên nhân, biểu hiện mà có biện pháp điều trị phù hợp. Do đó, ngay sau khi sơ cứu tạm thời cho người bị ngộ độc thức ăn, cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xác định nguyên nhân gây ngộ độc và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh nặng hơn, gây ra nhiều nguy hiểm và có thể tử vong.
Cần làm gì để phòng ngộ độc thức ăn
Việc phòng ngừa ngộ độc thức ăn cần được chú trọng, nên ăn chín uống sôi. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn hay sau khi đi vệ sinh, nhất là những người chế biến thực phẩm.
Tránh dùng thực phẩm hay nguyên liệu không an toàn như trứng bị vỡ dập, thịt cá, hải sản không tươi.
Thực hiện nguyên tắc an toàn thực phẩm khi chế biến, không để lẫn lộn nguyên liệu sống và thực phẩm chín, nhằm giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn chéo.
Bảo quản thực phẩm đúng cách, không để thực phẩm đã nấu ở nhiệt độ phòng quá lâu.
Xem hạn sử dụng in trên bao bì chỉ số an toàn, chất lượng của thực phẩm.
Khi chế biến rau, củ, quả tươi phải rửa thật kỹ dưới vòi nước sạch trước khi dùng. Cần rửa tay, dao, thớt… ngay sau khi xử lý xong thực phẩm tươi sống (thịt, cá, gia cầm sống).
Thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải giữ nhiệt độ 40 độ C hoặc thấp hơn, tủ đông nhiệt độ khoảng 0 độ C hoặc thấp hơn.
Theo Báo sức khỏe và đời sống
- Thư mời chào giá lần 3 “Mua sắm vật tư, linh kiện sửa chữa máy điện cơ của khoa Thần kinh”
- Thư mời chào giá “Mua sắm vật tư, linh kiện sửa chữa dây nội soi khí phế quản tại khoa Hồi sức tích cực chống độc”
- Thư mời chào giá “Mua sắm bộ dụng cụ phẫu thuật”
- Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023
- Những tai biến thường gặp do tự điều trị bệnh xương khớp