Phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân tắc động mạch mạc treo tràng trên

Tắc động mạch mạc treo là tình trạng tắc nghẽn động mạch nuôi ruột khiến máu không đến được ruột non và ruột già, gây ra hoại tử. Đây là một bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao đến 90% nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vừa qua, khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực – Trung tâm Tim mạch đã phẫu thuật thành công một trường hợp bệnh nhân tắc động mạch mạc treo tràng trên.

1. Tắc động mạch mạc treo tràng gây trên nguy hiểm đến tính mạng

Bệnh nhân M.T.T (56 tuổi, Hưng Hà – Thái Bình) có tiền sử bệnh suy tim, rung nhĩ, sử dụng thuốc chống đông. Thời gian gần đây bệnh nhân xuất hiện biểu hiện mệt mỏi, đau ngực, khó thở. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và nhập viện khoa Nội Tim mạch để điều trị. 5 ngày sau nhập viện, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đại tiện phân lỏng. Nghi ngờ bệnh nhân bị rung nhĩ có thể gây nguy cơ tắc mạch do cục máu đông di chuyển từ tim xuống mạch mạc treo ruột, các bác sĩ đã chỉ định chụp cắt lớp ổ bụng tiêm thuốc cản quang. Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân bị tắc đoạn động mạch mạc treo tràng trên.

Ngay lập tức, kíp phẫu thuật của khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực – Trung tâm tim mạch đã tiến hành mổ cho bệnh nhân. Sau khi mở bụng, phẫu thuật viên tiến hành bộc lộ động mạch mạc treo tràng trên, dùng dụng cụ đặc biệt để lấy cục máu đông trong lòng nhánh của mạch; sau đó phục hồi lại lưu thông mạch máu bằng miếng vá sinh học . Sau khi lấy được huyết khối, mạch đập, ruột hồng trở lại. Sau 1 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca mổ diễn ra thành công.

Sau mổ, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị chống đông, ba ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, các chỉ số ổn định, đã đại tiểu tiện.

Hình ảnh cục máu đông trong lòng động mạch Mạc treo tràng trên của bệnh nhân
Huyết khối lấy ra từ lòng của động mạch mạc treo tràng trên

2. Chẩn đoán chính xác – phẫu thuật kịp thời

Nhận định về trường hợp này, Ths.Bs. Đỗ Tất Thành – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực, PGĐ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Chẩn đoán thiếu máu mạc treo cấp rất cần thiết nhưng cũng là một thách đố trên lâm sàng, chẩn đoán sớm trước khi ruột hoại tử và điều trị thích hợp sẽ giúp hạ thấp tỉ lệ tử vong sau mổ. Vì khả năng chịu đựng thiếu máu của ruột kém (chỉ 120-180 phút), do vậy đòi hỏi phải chẩn đoán nhanh và chính xác để có hướng điều trị thích hợp, mong giảm được tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân. Triệu chứng khởi phát lâm sàng không điển hình và các xét nghiệm thường quy thường không đặc hiệu để chẩn đoán nên vấn đề bác sĩ lâm sàng nghĩ tới bệnh lý Tắc mạch mạc treo tràng trên là điểm mấu chốt.

Ở trường hợp bệnh nhân M.T.T vào viện với bệnh cảnh rung nhĩ, dùng thuốc kháng đông không được kiểm soát nên khi xảy ra các triệu chứng của tiêu hoá: đau bụng dữ dội, nôn, đi ngoài phân lỏng thì Bs Nguyễn Hồng Quang ( trực cấp cứu ở Khoa Nội Tim Mạch) đã nghĩ ngay tới bệnh cảnh tắc động mạch mạc treo tràng trên do huyết khối. Chính vì thể bệnh nhân đã được phẫu thuật kịp thời và bảo tồn toàn bộ ruột ( đại tràng và tiểu tràng). Trước đây chúng tôi đã thực hiện nhiều ca tắc động mạch mạc treo phải cắt bỏ đoạn ruột hoại tử do người bệnh không được phát hiện sớm nguyên nhân, nhập viện muộn những trường hợp này sau mổ có nhiều biến chứng ( suy thận, hội chứng ruột ngắn, suy kiệt…) và thậm chí là tử vong”.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Với kinh nghiệm nhạy bén, làm chủ kỹ thuật trong lĩnh vực phẫu thuật ngoại khoa, mạch máu của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng hệ thống máy trang thiết bị hiện đại, Khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực (Trung tâm tim mạch) đã nhiều lần phẫu thuật cứu sống thành công nhiều trường hợp bệnh nhân với các bệnh lý nguy hiểm như tắc động mạch mạc treo tràng trên, vỡ phình động mạch chủ bụng,….Góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên điều trị, điều trị và cứu sống kịp thời nhiều trường hợp nguy kịch, nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện.

Tắc động mạch mạc treo là một biến chứng của bệnh tim mạch, khó chẩn đoán sớm do triệu chứng không điển hình và đặc hiệu, tỷ lệ tử vong cao từ 70 – 100% nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bởi vậy, việc chẩn đoán phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm lâm sàng và kiến thức chuyên môn của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa cũng như các phương tiện chẩn đoán hiện đại. Các bác sĩ khuyến cáo thêm: Trong trường hợp đau bụng không rõ nguyên nhân, nhất là người có tiền sử bệnh lý tim mạch, bệnh mãn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp…), bệnh nhân không nên tự uống thuốc, điều trị tại nhà mà cần phải đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và phát hiện kịp thời.

PHÒNG CTXH